Bộ Tư pháp lấy ý kiến về việc ghi 'nguyên quán', 'quê quán' hay 'nơi sinh' trên nhiều loại giấy tờ tùy thân
Chiều 28/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2022 để thông tin và trao đổi về tình hình hoạt động của Bộ và ngành Tư pháp.
Theo đó, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng việc ghi "nguyên quán", "quê quán" hay "nơi sinh" trên nhiều loại giấy tờ tùy thân khiến phát sinh không ít rắc rối. Chẳng hạn, có trường hợp anh em ruột nhưng quê quán ghi trên giấy tờ lại khác nhau. Vì vậy, có đề xuất không cần ghi "nguyên quán", "quê quán" mà chỉ ghi "nơi sinh" trên các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, giấy khai sinh.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện Bộ Tư pháp đã nắm được thông tin này. Tuy nhiên, trước khi có quyết định chính thức, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho hay cần xin ý kiến của các đơn vị liên quan và sẽ thông tin sau.
Về vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thiện, nhất là khi thời hạn "bỏ" sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đang đến gần. Trả lời câu hỏi của báo chí, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc kết nối chia sẻ thông tin giữa 02 cơ sở dữ liệu liên quan đến Đề án 06. Đề án 06 được triển khai từ đầu năm 2022 với nhiều nhiệm vụ nên có độ "trễ" nhất định để xử lý từng nhiệm vụ, từ đó giúp Đề án 06 được đưa vào phục vụ người dân tốt hơn.
Trong thời gian qua, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) thường xuyên phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) rà soát đồng bộ dữ liệu quốc tịch và dân cư, làm sao dữ liệu hộ tịch và dân cư khớp nhau để có thể đưa vào vận hành sớm nhất. Bộ Tư pháp cũng đang tích cực triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin không chỉ với dữ liệu quốc gia về dân cư mà các chuyên ngành khác.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Tư pháp cho biết từ tháng 10/2021 đến nay, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 530.000 vụ việc (tăng 44.000 so với cùng kỳ). Tổng số tiền đã thi hành xong là hơn 75.000 tỉ đồng (đạt 45,42%). Trong đó, khoản nợ của các tổ chức tín dụng đã thi hành xong trên 6.000 vụ việc, thu được hơn 22.000 tỉ đồng.
Với khoản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 1.900 vụ việc, thu được gần 16.000 tỉ đồng (tăng hơn 290% so với cùng kỳ). Quá trình triển khai cũng phát hiện nhiều bất cập trong công tác thi hành án. Điển hình là trong các vụ án về tham nhũng, đối tượng phạm tội có kiến thức cao, thủ đoạn và hành vi cũng cực kỳ tinh vi, cũng có người tẩu tán tài sản. Song, nước ta chưa có luật để đăng ký tài sản nên tài sản của người phạm tội tham nhũng có thể chuyển cho con, cho bố, mẹ, là những người không thuộc diện phải kê khai tài sản nên rất khó để xử lý.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ triển khai các nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2023. Tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản Nhà nước.