Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 05/04/2020 02:40 (GMT+7)

Bộ Tư pháp đề xuất Thủ tướng cho phép thí điểm xây dựng chính sách về tiền ảo

Bộ Tư pháp vừa có Báo cáo số 70/BC-BTP trình Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát khung pháp lý liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain. Trong đó có tài sản ảo, thường có các tên gọi như “tiền ảo”, “tiền kỹ thuật số” hay “tiền mã hóa”.

Dù chưa có khung pháp lý nhưng việc giao dịch tiền ảo tại Việt Nam đã diễn ra khá phổ biến. Ảnh: internet

Báo cáo trên đã đưa ra các nội dung tổng quan về công nghệ và quản trị trên nền tảng công nghệ blockchain; thực tiễn ứng dụng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain và kinh nghiệm quản lý của một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích các vấn đề công nghệ và kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn ở Việt Nam, báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, các vướng mắc, bất cập về ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào 2 nhóm vấn đề: về pháp lý chưa rõ ràng, chưa có khung pháp lý liên quan đến huy động vốn qua việc phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa; chưa có khung pháp lý về giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Thứ hai, tại Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái khuyến khích ứng dụng, phát triển công nghệ blockchain, trong đó có việc các cơ quan nhà nước chưa thật sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý nhà nước.

Trong báo cáo này, Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ một số định hướng để xây dựng, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain.

Theo đó, tạo môi trường tối ưu cho đổi mới sáng tạo nhưng cần đảm bảo tính trung lập về công nghệ theo hướng thị trường tự quyết định lựa chọn công nghệ; tận dụng khung pháp lý hiện hành để quản lý, xử lý các vấn đề liên quan nhưng cho phép các ngoại lệ hoặc ban hành các văn bản điều chỉnh (có thể mang tính thí điểm) trong trường hợp cần thiết.

Đồng thời, ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm, cụ thể là các nghị định thí điểm để xử lý các vấn đề “nóng” của thị trường tiền ảo hiện nay và thực tiễn áp dụng. Trong đó, cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thí điểm về phát hành và giao dịch của các tài sản mã hóa được hình thành trên nền tảng công nghệ blockchain cũng như cơ chế quản lý, xử lý việc sử dụng, trao đổi, đầu tư các tài sản này.

Trong báo cáo này, Bộ Tư pháp cũng đề xuất cơ quan nhà nước cần tiên phong trong việc ứng dụng thành tựu về khoa học, công nghệ trong đó có công nghệ blockchain để nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới phương thức quản trị, điều hành cũng như cung ứng dịch vụ công.

Đồng thời, duy trì cơ chế trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng phát triển công nghệ ở tầm quốc gia cũng như quốc tế để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.

Trước đó, năm 2017, Thủ tướng phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo. Đồng thời, Thủ tướng cũng đã giao Bộ tài chính, Ngân hàng nhà nước, tiếp tục nghiên cứu để sớm có khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa.

Ngoài ra dữ liệu từ website coin.dance cho thấy khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.800 tỉ đồng/tuần, trong khi đó, tại những thời kỳ đồng Bitcoin đạt giá đỉnh điểm vào năm 2018, khối lượng giao dịch mỗi tuần tại Việt Nam lên tới 4.600 tỉ đồng; năm 2019, có nhiều thời điểm lên tới 4.000 tỉ đồng/tuần.

Cùng chuyên mục

OCB Đồng Nai dính vi phạm khi mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán
Cơ quan thanh tra yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông chi nhánh Đồng Nai (OCB Đồng Nai) thu thập đầy đủ các chứng từ liên quan trái phiếu doanh nghiệp; nếu không bổ sung được thì thu hồi khoản đầu tư và quy trách nhiệm cho tập thể, cá nhân liên quan nếu gây thất thoát tài sản OCB.
Kết luận thanh tra tại BIDV Sóc Trăng bị tẩy xoá nhiều nội dung
Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng phát hiện hàng loạt vi phạm trong quá trình hoạt động tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Sóc Trăng. Tuy nhiên, Kết luận thanh tra khi được công khai đã bị tẩy xoá ở nhiều trang quan trọng.
Bitcoin vượt mốc 90.000 USD
Giá của đồng Bitcoin đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới trong ngày 13/11 khi thị trường tiếp tục hưởng lợi từ những cam kết của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc nới lỏng các quy định đối với tiền kỹ thuật số.

Tin mới