Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 12/01/2024 07:13 (GMT+7)

Các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 15/02/2024

Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 28/2015/TTBLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm 2013 và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 15/02/2024Ảnh minh họa.

Trong đó đáng chú ý, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH đã sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 28/2015/TTBLĐTBXH. Theo đó, quy định 05 trường hợp được bảo lưu thời gian đóng BHTN bao gồm:

Thứ nhất, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp không được bảo lưu. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ hai, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu là thời gian đã được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ ba, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu được ghi tại quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm thuộc trường hợp giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã thực hiện thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định nhưng chưa có bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì phải có cam kết thể hiện nội dung về ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết có hiệu lực, lý do chưa cung cấp được bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và nộp bổ sung bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thứ tư, Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động không đến nhận tiền và không thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ năm, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 tháng trở lên làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung sẽ được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

- Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung được bảo lưu theo nguyên tắc sau:

Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung để bảo lưu = Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã xét hưởng trợ cấp thất nghiệp + Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp xác nhận bổ sung - Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp - Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng số tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đối với các trường hợp thứ hai, ba và tư thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam (dân gian gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa lành một số bệnh thông thường.
Hà Nội: Sẵn sàng triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học
Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị hướng dẫn, triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học nhằm thực hiện kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.