Coi thường vợ không làm ra tiền, tôi hối hận khi nhìn căn bếp lâu ngày không đỏ lửa
Giá như tôi nhận ra 2 điều này sớm, có lẽ gia đình đã không tan đàn xẻ nghé, nhưng đôi khi hôn nhân không có chỗ cho hai từ “hối hận”.
Vợ chồng tôi bên nhau từ thời hai bàn tay trắng, rồi cùng nhau khởi nghiệp kiếm tiền để mua nhà, mua xe. Kết tinh tình yêu của chúng tôi là hai đứa con đáng yêu, nếp tẻ đủ cả. Theo lời bạn bè, chúng tôi chính là những “kẻ chiến thắng” trong cuộc sống, là một gia đình hoàn hảo được bao người mơ ước.
Nhưng rồi chính tôi đã tự tay phá vỡ tổ ấm hạnh phúc của mình. Về đến nhà nhìn căn hộ tối om, căn bếp lâu ngày không đỏ lửa, tôi chợt nghĩ có lẽ vợ chẳng được mấy ngày hạnh phúc khi sống bên tôi. Giá như tôi nhận ra 2 điều này sớm, có lẽ gia đình đã không tan đàn xẻ nghé, nhưng đôi khi hôn nhân không có chỗ cho hai từ “hối hận”. Khi tôi nhận ra thì đã quá muộn màng rồi.
1. Đàn ông ít làm việc nhà, trách nhiệm với gia đình sẽ ít đi
Khi điều kiện kinh tế ổn định, vợ tôi nghỉ việc ở nhà chăm sóc và nuôi dạy hai con. Con cái đang tuổi ăn tuổi lớn, ông bà hai bên ở xa, thuê người giúp việc cũng chẳng đảm bảo sẽ tốt đẹp nên vợ tôi mới quyết định như thế.
Tuy vậy, thu nhập giữa vợ và chồng đã tạo nên khoảng cách quá lớn. Vì vợ không làm ra tiền, vấn đề kinh tế đều một mình tôi gánh vác nên tôi dần thay đổi và coi thường vợ, rồi tự mặc định việc nhà là việc của vợ.
Vợ ở nhà làm việc nhà, giặt giũ dọn dẹp rồi kèm cặp việc học tập của con, còn tôi không bao giờ giúp đỡ vợ. Mỗi khi vợ phàn nàn, tôi lại lấy cậy mình làm ra tiền để lên mặt: “Ngày ngày mẹ con cô lấy tiền đâu ra mà tiêu, không phải là lấy từ tôi sao? Vậy nên cô đừng bao giờ phàn nàn điều gì cả. Tôi đi làm cả ngày đủ mệt mỏi rồi, ai thấu hiểu cho tôi?”.
Đàn ông tham gia quá ít vào công việc thường nhật của hôn nhân thì dần dần trách nhiệm với gia đình, với vợ con cũng vơi bớt đi. Chỉ khi tham gia trực tiếp vào những công việc nhà, người đàn ông mới hiểu hơn về gia đình, hiểu được trách nhiệm của mình lớn đến nhường nào và từ đó càng cố gắng hơn để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Nhưng tôi thì hoàn toàn ngược lại, đã không làm việc nhà giúp vợ còn chẳng màng tới con cái. Con lớn 15 tuổi, con nhỏ mới 10 tuổi, nhưng chưa bao giờ tôi kèm chúng học bài, các con cũng chưa một lần được bố đi họp phụ huynh cho. Con ốm cũng một mình vợ gánh vác.
Tôi hoàn toàn rảnh tay, chỉ tập trung lo cho sự nghiệp mà không một chút quan tâm tới gia đình. Tuy nhiên giờ đây khi có sự nghiệp và tiền bạc, lúc ngoảnh đầu nhìn lại tôi đã đánh mất gia đình. Những thứ đó bỗng trở nên vô nghĩa khi gia đình không còn nữa.
2. Đừng bao giờ nghĩ vì con, vì không có thu nhập mà vợ không dám ly hôn
Có lẽ kết hôn lâu năm, tôi đã quên mất cái gọi là tình yêu, giá trị hôn nhân rồi. Tôi không còn nhớ đến những kỷ niệm tươi đẹp giữa hai vợ chồng năm xưa, mình từng hứa hẹn với vợ ra sao. Trong mắt tôi chỉ là một người vợ “tầm thường” không làm ra tiền, suốt ngày chỉ biết quanh quẩn bếp núc.
Những cuộc cãi vã xảy ra ra liên miên, tình cảm vợ chồng cũng theo đó mà xa cách dần. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ vợ dám ly hôn, nếu hai vợ chồng đường ai nấy đi thì chắc chắn sẽ là tôi đề nghị chia tay. Bởi lẽ vợ chỉ là một bà nội trợ lâu năm không đi làm, không kiếm ra tiền, cô ấy bỏ tôi thì làm nên trò trống gì. Tôi cũng nghĩ vì hai đứa con, vì muốn con có một tổ ấm vẹn tròn, vợ sẽ không bao giờ dám ly hôn.
Kết quả, tôi đã đánh giá thấp vợ, quá tự tin vào bản thân. Hôm đó khi tan làm về nhà, căn hộ tối om. Vợ tôi đã đưa hai con rời đi, chỉ để lại một tờ đơn sẵn chữ ký trên bàn.
“Tiền em không có nhưng em có thể tự kiếm được. Bố mẹ sống với nhau không hạnh phúc, con cái cũng chẳng thể vui vẻ được, thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực hơn tới tâm lý. Giữa anh và em, tình yêu đã không còn thì cớ sao phải duy trì cuộc hôn nhân rỗng tuếch này làm gì?”. Câu nói của vợ khiến tôi sực tỉnh.
Có lẽ cô ấy đã rất tuyệt vọng, không thể chịu đựng nổi cuộc hôn nhân chỉ có cái vỏ rỗng tuếch này nữa nên mới ra quyết định này…