Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 17/02/2023 21:34 (GMT+7)

Cơn bão lớn nhất thế kỷ tấn công New Zealand: Nhiều nơi bị phá hủy

Nước lũ mang theo "những khúc gỗ nặng 300kg, những khúc gỗ khổng lồ nối tiếp nhau, lăn xuống từ khu rừng phía trên".

Cơn bão lớn nhất thế kỷ

New Zealand đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 14/2 khi bão Gabrielle đổ bộ vào Đảo Bắc, khiến hàng nghìn người phải di dời, gây ra sạt lở đất đá phá hủy nhà cửa cũng như mất điện trên diện rộng.

Theo Cơ quan Khí tượng New Zealand, mức gió giật hơn 140 km/h đã được ghi nhận dọc theo bờ biển, với những con sóng cao ngoài khơi gần 11m.

“Bão Gabrielle là sự kiện thời tiết đáng chú ý nhất mà New Zealand từng chứng kiến trong thế kỷ này", The Guardian dẫn lời Thủ tướng Chris Hipkins. "Chúng tôi vẫn đang xây dựng một bức tranh về tác động của cơn bão khi nó tiếp tục diễn ra. Nhưng những gì chúng ta dự đoán trước được là nó tác động rất lớn và lan rộng".

Giới chức New Zealand cho biết, khoảng 2.500 người đã phải di dời nhưng con số đó có thể thay đổi, vì vẫn còn những khu vực rộng lớn không thể tiếp cận và bị cắt đứt viễn thông.

Bộ trưởng quản lý tình trạng khẩn cấp, Kieran McAnulty, cho biết Gabrielle là "sự kiện thời tiết chưa từng có".

Đây là lần thứ ba trong lịch sử New Zealand ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Cơn bão lớn nhất thế kỷ tấn công New Zealand: Nhiều nơi bị phá hủy, biến thành "thị trấn ma" - Ảnh 1.
Nước lũ nhấn chìm nhiều khu vực ở New Zealand. Ảnh: CNN

Sức tàn phá lớn

Nước lũ dâng cao bao trùm các ngôi nhà và tòa nhà ở một số khu vực như Vịnh Hawke. Người dân phải leo lên mái nhà trú ẩn nhưng trực thăng quân sự không thể tiếp cận họ do thời tiết.

Lở đất xung quanh Đảo Bắc cũng cuốn trôi nhiều nhà cửa và cắt đứt đường cao tốc của bang.

Adrianne Mason, ngươi dân Vịnh Hawke, cho biết cô con gái 22 tuổi của cô phải trèo ra khỏi cửa sổ phòng ngủ vào lúc nửa đêm và bơi đến nơi an toàn khi nước lũ dâng cao, trong khi đó, nhiều người hàng xóm vẫn bị mắc kẹt trên mái nhà.

Hiện giờ, gia đình cô đã trốn thoát đến nơi an toàn là một ngôi nhà trên vùng đất cao hơn, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn không thể tiếp cận được vì dòng nước lũ đã cuốn trôi các con đường.

Cô Mason nói trận lũ này là "thảm họa". Ngôi nhà mới xây của họ đã bị nhấn chìm và những tài sản khác xung quanh con sông "cũng biến mất hoàn toàn".

Một nông dân ở Vịnh Tolaga đã mô tả sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão Gabrielle như sau: Nước lũ mang theo "những khúc gỗ nặng 300kg, những khúc gỗ khổng lồ nối tiếp nhau, lăn xuống từ khu rừng phía trên".

Bridget Parker nói với Đài phát thanh New Zealand rằng nước lũ "tràn qua nhà cửa và trang trại". "Chúng tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", Parker nói.

Hãng tin CNN thậm chí còn mô tả, cơn bão Gabrielle tấn công nhiều khu vực ở New Zealand khiến những nơi này trơ trọi, xơ xác như những "thị trấn ma".

Thủ tướng Hipkins cho biết quá trình khắc phục hậu quả sau cơn bão có thể sẽ kéo dài. Ông nói: "Sẽ mất một thời gian - một số người sẽ phải rời khỏi nhà của họ trong một thời gian dài".

Cùng chuyên mục

Mỹ nhận định về thời gian xuất hiện và lây lan của virus H5N1 ở gia súc
Nhiều khả năng virus cúm gia cầm đã lây lan ở bò sữa 4 tháng trước khi giới chức Mỹ phát hiện và xác nhận loại virus này là chủng H5N1 độc lực cao. Đây là thông tin được nêu trong bản phân tích mới nhất về dữ liệu di truyền do Trung tâm dịch bệnh động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thực hiện và công bố gần đây.

Tin mới

Mỹ nhận định về thời gian xuất hiện và lây lan của virus H5N1 ở gia súc
Nhiều khả năng virus cúm gia cầm đã lây lan ở bò sữa 4 tháng trước khi giới chức Mỹ phát hiện và xác nhận loại virus này là chủng H5N1 độc lực cao. Đây là thông tin được nêu trong bản phân tích mới nhất về dữ liệu di truyền do Trung tâm dịch bệnh động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thực hiện và công bố gần đây.