Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 04/10/2023 07:26 (GMT+7)

Cục Thể dục Thể thao kiểm tra thông tin VĐV bóng bàn trẻ bị đói

Những ngày gần đây, thông tin về việc các tuyển thủ đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia đang tập luyện tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị cho là thiếu ăn, thậm chí là “đói ăn”; còn tiền lương của các em thì sau khi nhận phải chuyển một phần cho HLV đã gây xôn xao dư luận. Cục Thể dục Thể thao đã vào cuộc yêu cầu các cấp có liên quan kiểm tra thông tin để báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Một bữa ăn được cho là có giá 800 nghìn đồng cho 8 VĐV của đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia.
Một bữa ăn được cho là có giá 800 nghìn đồng cho 8 VĐV của đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia.

Theo thông tin phản ánh trên báo chí, bữa ăn theo chế độ của 8 VĐV trẻ với chi phí 800 nghìn đồng (100 nghìn đồng/người) nhưng chỉ có đậu rán, cá basa kho, nem rán, một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua. Trong khi bữa sáng 100 nghìn đồng/người chỉ có một nắm xôi và một chai nước. Các VĐV cho biết, bữa ăn của họ trên thực tế không được đầy đủ dinh dưỡng; và vì ăn uống không đầy đủ nên các VĐV thường xuyên phải tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập.

Bên cạnh đó, một số tuyển thủ cũng phản ánh về việc tiền công của họ bị "teo tóp" bởi những khoản khấu trừ tiền ăn. Trong khi đó, những bữa ăn của các VĐV đều được cho là có giá trị thực tế thấp hơn nhiều so quy định trong khẩu phần ăn của các VĐV trẻ. Ngoài ra, một số bữa ăn khác của VĐV cũng bị phản ánh là không đủ dinh dưỡng với các VĐV trẻ - vốn phải tập luyện, thi đấu liên tục ở trình độ cao.

Được biết, theo quy định hiện hành, các VĐV được hưởng chế độ ăn uống 320.000 đồng/ngày/người. Đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia hiện tập trung dưới sự quản lý của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Đội do huấn luyện viên Bùi Xuân Hà phụ trách, ăn ở và sinh hoạt tại cơ sở của Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Cục Thể dục Thể thao kiểm tra thông tin VĐV bóng bàn trẻ bị đói ảnh 1
Các VĐV không được cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng. (Ảnh: Báo Tiền Phong).

Đáng chú ý, việc cung cấp suất ăn thấp hơn quy định của Nhà nước có thể dẫn tới hệ lụy suy giảm thành tích thi đấu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi các VĐV, đồng thời đặt ra dấu hỏi về quy trình quản lý, huấn luyện và đảm bảo công tác chuyên môn trong thể thao, đặc biệt ở các môn thể thao thành tích cao.

Trao đổi với báo chí, một vị HLV cho biết, sự cố xảy ra ở đội dự tuyển bóng bàn trẻ đặt ra những vấn đề cấp thiết của thể thao Việt Nam. Lãnh đạo ngành thể thao cần phải trả lời được câu hỏi, tại sao không để đội tuyển trẻ này tập huấn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

"Khi đưa đội sang địa điểm khác tập huấn, Cục Thể dục Thể thao và những người có trách nhiệm của môn bóng bàn, có quán xuyến được việc tập luyện, sinh hoạt của đội hay không, hay buông lỏng hoàn toàn. Chất lượng bữa ăn, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, có được kiểm soát hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay không?

Lãnh đạo ngành cần có câu trả lời thỏa đáng. Gia đình các VĐV trẻ không thể yên tâm khi con em họ phải tập luyện trong điều kiện thiếu chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên, VĐV không thể có thành tích nếu không được chăm sóc tốt về mọi mặt, trong đó có vấn đề quan trọng nhất là dinh dưỡng", vị HLV này chia sẻ.

Liên quan đến vụ việc này, thông tin từ Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Cục đã nắm tình hình và tiến hành xác minh thông tin. Ngày 2/10 và ngày 3/10, Cục đã chỉ đạo Phòng Thể thao thành tích cao 2, bộ môn bóng bàn, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn), Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình họp để kiểm tra, xác minh sự việc. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Cục Thể dục Thể thao kiểm tra thông tin VĐV bóng bàn trẻ bị đói ảnh 2
Các VĐV không được cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng. (Ảnh: Báo Tiền Phong).

Những năm qua, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia được triệu tập và chịu sự quản lý của trung tâm Nhổn. Dù vậy, đội này không tập huấn ở Nhổn mà được Cục Thể dục Thể thao đưa về tập luyện tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

Tiền ăn, ở của đội bóng bàn trẻ được trung tâm Nhổn chuyển cho ban huấn luyện và Mỹ Đình để lo cho VĐV. Không chỉ đội bóng bàn trẻ do Nhổn quản lý nhưng không tập ở Nhổn mà nhiều đội tuyển khác như bóng đá, đua thuyền, bóng bàn lớn, đấu kiếm... cũng không tập luyện ở Nhổn.

Lý do bởi Nhổn không có đủ địa điểm cho các bộ môn tập hoặc điều kiện tập ở Nhổn không tốt bằng các nơi khác. Chính vì vậy, những năm qua ngành thể thao đã đưa các đội tuyển này về địa điểm có điều kiện tập luyện, sinh hoạt tốt hơn, đảm bảo vấn đề chuyên môn.

Theo thông tư 86 Bộ Tài chính quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù với VĐV, HLV thể thao có hiệu lực từ ngày 1/1/2021: VĐV Đội tuyển Quốc gia và trẻ Quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 320 nghìn đồng/người/ngày.

VĐV được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEAGames, Asiad, Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 480 nghìn đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày.

Với VĐV được triệu tập vào các đội tuyển Quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng Asiad, Olympic trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640 nghìn đồng/người/ngày.

Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng cho VĐV được lấy từ ngân sách nhà nước cấp cho ngành thể thao hằng năm. Tiền ăn, tiền nước uống hằng ngày của VĐV được gói gọn trong số kinh phí này theo thông tư 86.

Mức chi này với người bình thường có thể là ổn, nhưng với VĐV thể thao thì chưa đáp ứng được nhu cầu vận động cao, đòi hỏi dinh dưỡng và thực phẩm hỗ trợ chất lượng. Nhiều năm qua, các VĐV quốc gia tập huấn ở các trung tâm huấn luyện thường xuyên kêu ca về việc họ chưa được ăn đủ dinh dưỡng, đủ chất.

Các VĐV cũng không được cung cấp thường xuyên thực phẩm chức năng trong quá trình tập huấn và thi đấu. Cộng với việc thiếu trang thiết bị hồi phục, nên sau khi tập nặng, VĐV dễ chấn thương, thành tích khó phát triển.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mai Nguyễn Anh: Ca sĩ được khán giả yêu thích nhất và Á quân Giọng hát hay Hà Nội 2024
Với chất giọng nam trung đầy nội lực, mạnh mẽ và cuốn hút, Mai Nguyễn Anh đã chứng minh được tài năng phi thường của mình tại cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2024. Anh không chỉ gây ấn tượng với âm vực rộng, phong cách hát truyền cảm, mà còn khẳng định được sự tự tin khi trình diễn trên sân khấu. Kết quả, nam ca sĩ đã xuất sắc giành giải “Ca sĩ được khán giả yêu thích nhất” và vị trí Á quân trong cuộc thi.
Chủ sở hữu nhà đã chết thì đăng ký thường trú mới như thế nào?
Trong trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
6 lỗi nhất định phải tránh trong buổi phỏng vấn xin việc
Buổi phỏng vấn xin việc là cơ hội quan trọng để bạn thể hiện năng lực và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, một vài câu nói không phù hợp có thể làm giảm cơ hội của bạn. Để tăng khả năng trúng tuyển, hãy tránh các chủ đề nhạy cảm và giữ thái độ chuyên nghiệp. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết những điều cần tránh nói trong buổi phỏng vấn để tăng khả năng được chọn vào công việc mơ ước của mình.
Những thuật ngữ về mạng xã hội tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Trong đó, Nghị định này đã giải thích rõ một số thuật ngữ về mạng xã hội mà người dân thường xuyên sử dụng.
Em trai An Tây xin lỗi
Em trai An Tây mong mọi người có cái nhìn khách quan trước khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Tuyển sinh Đại học 2025: Tiếp tục đổi mới để tạo thuận lợi cho thí sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, dự kiến có hiệu lực từ mùa tuyển sinh 2025. Trong đó, tháo gỡ những bất cập tuyển sinh. Để làm rõ thêm nội dung này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.