Đề xuất bổ sung hệ số lương tăng thêm cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước theo lợi nhuận hằng năm
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý lao động, tiền lương tại doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn, lương người lao động do doanh nghiệp quyết, nhưng lương người quản lý lại do Chính phủ ban hành. Lương cơ bản của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chia theo 6 hạng, thấp nhất 16 triệu đồng/người/tháng, cao nhất 36 triệu đồng/tháng. Khi doanh nghiệp làm ăn có lãi, lương lãnh đạo được tính thêm hệ số, nhưng không quá 2 lần lương cơ bản, tức cao nhất được 72 triệu đồng/tháng.Nếu doanh nghiệp có lợi nhuận vượt kế hoạch, mỗi phần trăm (%) tăng thêm lương lãnh đạo được tăng tương ứng, nhưng không quá 20% tiền lương, tức tối đa 86,4 triệu đồng/tháng (chủ tịch tập đoàn kinh tế). Quy định như trên áp dụng từ năm 2013 tới nay.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, quy định tiền lương hiện hành với người quản lý doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung gắn với kết quả kinh doanh, tiệm cận mặt bằng thị trường, khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện tại lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ ban hành khung, còn người lao động do doanh nghiệp xây dựng theo thị trường, nên lương lãnh đạo doanh nghiệp thiệt thòi hơn người lao động.
Thực tế, ở một số doanh nghiệp, tiền lương của người quản lý thấp hơn cả tiền lương của trưởng/phó phòng. Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn thấp so với thị trường và thấp hơn lãnh đạo ở doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối (chỉ bằng 57%). Bên cạnh đó, lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tính theo lợi nhuận, nhưng lợi nhuận luôn biến động, không thể năm nào cũng tăng cao hơn năm trước hoặc cao hơn kế hoạch, dẫn tới nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nhận lương cơ bản.
Theo kế hoạch, việc cải cách tiền lương khối doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ từ năm 2021, nhưng ảnh hưởng dịch Covid-19, nên tạm hoãn tới nay. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa các nghị định hiện hành liên quan tới cơ chế lương cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, trong khi chờ áp dụng cải cách tiền lương chung.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, cho phép doanh nghiệp được tự xây dựng thang, bảng lương của lãnh đạo trên cơ sở ý kiến của công đoàn và thống nhất của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bổ sung hệ số lương tăng thêm cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước theo lợi nhuận hằng năm.