Cưỡng ép vợ, chồng đóng góp tài chính quá khả năng là bạo lực gia đình
Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định, cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng; kiểm soát thu nhập nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính là hành vi bạo lực gia đình.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Theo khoản 1, Điều 3, dự thảo Luật quy định hành vi bạo lực gia đình gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình.
Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng quy định hành vi bạo lực gia đình bao gồm cả cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; Kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
Khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, Công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì Công an cấp xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu đến trụ sở.
Thời gian yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã không quá 06 giờ cho mỗi lần yêu cầu tính từ thời gian người được yêu cầu đến trụ sở Công an cấp xã.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, việc ngăn chặn xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chuẩn xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó khăn khi giải quyết. Do đó, cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình.
Dù việc bổ sung trách nhiệm này có thể chưa đạt kết quả, tác động lớn ngay song đại biểu cho rằng sẽ làm cơ sở cho quá trình đi vào tâm thức hàng ngày của người bị bạo lực gia đình, thành viên trong gia đình, từ đó dần hình thành ý thức tự giác về trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa là công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, để dự thảo Luật khả thi hơn cần bổ sung quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả với người bị bạo lực. Vì phần lớn người bị bạo lực là người thân trong một gia đình có tài sản chung với người bạo lực nên việc giải quyết yêu cầu khi bồi thường thiệt hại chắc chắn gặp khó khăn, khó áp dụng trong thực tế.
Về trách nhiệm của thành viên gia đình, đại biểu nhấn mạnh cần thiết bổ sung trách nhiệm thông báo tin tố giác tới cơ quan chức năng về hành vi bạo lực gia đình mà mình phát hiện. Đây là kênh thông tin quan trọng góp phần thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp để chống bạo lực gia đình.
Đại biểu cũng cho rằng, quy định người bạo lực gia đình phải lao động phục vụ cộng đồng là điểm mới, có tính răn đe, giáo dục cao. Tuy nhiên, điều khoản này cần thiết kế khoa học, chặt chẽ, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, các cơ quan cũng cần làm rõ tính tự nguyện lao động vì cộng đồng.
Đồng thời, đề nghị xem lại quy định người bạo lực gia đình phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả. Bởi phần lớn người bị bạo lực và người bạo lực cùng gia đình, nên việc thực thi sẽ khó khăn.
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay, người bạo lực gia đình được lựa chọn bị phê bình ở cộng đồng dân cư hoặc lao động phục vụ lợi ích công cộng. Biện pháp này có ý nghĩa giáo dục, giúp người bạo lực gia đình nhận ra được hành vi sai trái để thay đổi.