Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 21/10/2022 17:30 (GMT+7)

Hành vi lấn chiếm hành lang chung cư bị xử phạt như thế nào?

Việc lấn chiếm hành lang chung cư mà không chừa lối đi lại hợp lý cho những căn hộ khác có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Nếu có thì cơ quan nào có quyền xử phạt hành vi này? Pháp luật quy định về hành vi này như thế nào?

Theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa, theo khoản 2, Điều 100, Luật Nhà ở 2014 thì phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm:

“a) Phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 1, Điều này; nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư;

b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư bao gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;

c) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó, trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt;

d) Các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt bao gồm sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác được xác định trong nội dung của dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt”.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Như vậy, trong trường hợp này, phần hành lang của chung cư - phần sở hữu vốn dĩ phải được dùng chung lại bị sử dụng với mục đích riêng. Mà trong khi đó, tại khoản 6, Điều 6, Luật Nhà ở 2014, quy định các hành vi bị cấm, trong đó có quy định cấm: "Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng".

Chính vì vậy, theo điểm c, khoản 2, Điều 70 và điểm c, khoản 3, Điều 4, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về xây dựng, thì người sử dụng nhà chung cư vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư có thể sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng (đối với tổ chức), 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, cụ thể như sau:

Điều 70. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình;

b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc;

c) Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;

d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

đ) Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;

e) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc lấn chiếm các phần thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức;

b) Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư;

c) Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng;

d) Sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b, khoản 2, Điều này;

b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d, khoản 1, Điều này;

d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e, khoản 1, Điều này;

đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c, khoản 2, Điều này;

e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d, khoản 2, Điều này.

Cũng theo Luật sư, về mức xử phạt, tại điểm c, khoản 3, Điều 4, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã quy định: "Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 59; điểm a, khoản 3, Điều 64; Điều 65; khoản 1 (trừ điểm e), Điều 70, Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức".

Về người có thẩm quyền lập văn bản xử lý vi phạm

Luật sư cho hay, theo Điều 72, Nghị định 16/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng thì người có thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: 

“Điều 72. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này bao gồm:

1. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 73, Điều 74, Điều 75, Điều 76, Điều 78, Điều 79 và Điều 80, Nghị định này.

2. Công chức thuộc UBND các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này.

3. Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.

4. Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về: hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà.

5. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 77, Nghị định này được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều 6, Nghị định này”.

Như vậy, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh Thanh tra Sở GTVT - Xây dựng), Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh là những người có thẩm quyền lập văn bản vi phạm đối với hành vi sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng trong tình huống nêu trên.

Cùng chuyên mục

Chưa rút BHXH mà qua đời thì có bị mất tiền đã đóng?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, người lao động đang đóng BHXH, hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm 02 khoản: Mai táng phí và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng).

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...