Đại diện CGV: 'Nếu đầu năm 2022 mới được tái hoạt động thì nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản'
Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 các doanh nghiệp điện ảnh đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Hồi tháng 6 vừa qua hàng loạt các "ông lớn" như CGV, Lotte, BHD đồng loạt kêu cứu khi đang đứng trên bờ vực phá sản vì đại dịch Covid-19. Khi đó phía CGV cho biết: "Đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 này đã ảnh hưởng trầm trọng đến tình hình hoạt động kinh doanh của các rạp chiếu phim tại Việt Nam cũng như toàn ngành điện ảnh. Ngành điện ảnh vốn đã sớm bị ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 đầu tiên, tuy nhiên các doanh nghiệp đã nỗ lực sống sót qua 3 mùa Covid-19, đến nay có thể nói là gần như kiệt quệ. Trong hoàn cảnh như hiện nay, nếu không có những công cụ hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể đối diện với nguy cơ phá sản."
Ngày 21/9, đại diện các doanh nghiệp ngành phim lớn tại Việt Nam đã lần thứ 3 viết đơn cầu cứu cơ quan chính quyền để được sớm mở cửa trở lại. Cụ thể, theo công văn, 20 doanh nghiệp phim lớn ở Việt Nam cho biết thời gian qua, ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt khi phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sau nhiều tháng cố gắng sinh tồn giữa khủng hoảng của đại dịch phía CGV tiếp tục lên tiếng về những khó khăn mà rạp phim đang gặp phải.
Chia sẻ với Zing, Giám đốc nội dung của CGV - ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: "Nếu đầu năm 2022, rạp chiếu phim mới được tái hoạt động, nhiều doanh nghiệp điện ảnh dù lớn hay nhỏ đều đứng trước nguy cơ phá sản. Điều tất yếu là kéo theo sự suy thoái của của cả nền điện ảnh nói chung."
Ông Hải nói thêm về những quan ngại trong 4 tháng qua, hệ thống rạp chiếu phim đóng cửa trên toàn quốc. Giống Galaxy, Lotte Cinema... CGV cũng đối mặt với nhiều khó khăn trước sự ảnh hưởng của Covid-19.
Thách thức lớn nhất của CGV là dòng tiền trong kinh doanh. Trong bối cảnh doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0, hệ thống rạp chiếu phim phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian qua.
Cùng tình cảnh, đại diện BHD nói với Zing tài chính của nhà rạp gần như cạn kiệt khi không hoạt động trong thời gian dài, lãi vay ngân hàng, lương nhân viên, tiền bảo trì máy móc và nhiều chi phí khác chồng chất.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của công ty cũng bắt đầu gặp khó khăn, một số nhân viên phải tìm hướng đi khác khi không thể chờ đợi ngày hệ thống rạp chiếu phim mở cửa trở lại.
Trên báo Công lý, bà Mai Hoa, giám đốc marketing của Galaxy cho biết: "Mỗi tháng, Galaxy chịu thua lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Như vậy, hơn 4 tháng, con số này lên gần trăm tỷ đồng. Năm 2020, ngành chiếu phim, điện ảnh tụt lại vì dịch Covid-19 và thị trường giảm 60-70% so với năm 2019. Công ty đã cố gắng chèo chống qua thời kỳ đó. Nhưng hơn 4 tháng đóng cửa liên tiếp lại dội thêm những thách thức mới và rất khó giải quyết".
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV nhấn mạnh: "Với mong muốn khôi phục lại hoạt động kinh doanh của các rạp chiếu phim tại Việt Nam nói chung và CGV nói riêng, chúng tôi hy vọng chủ trương mới của Chính phủ sẽ cho phép nhà rạp được phép mở cửa hoạt động trở lại vào đầu tháng 11, khi mà các trung tâm thương mại tái hoạt động."
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và rạp phim được mở cửa, CGV sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc 5K cùng nhiều biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Cụ thể: Nhà rạp sẽ tiến hành khử khuẩn bề mặt và xịt khử khuẩn cho rạp hàng ngày bằng các thiết bị chuyên dụng, trang bị đầy đủ dụng cụ khử khuẩn cho nhân viên lẫn khách hàng, đo thân nhiệt trước khi vào rạp, khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc...
CGV cũng thực hiện giãn cách trong phòng chiếu theo đúng quy định để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho nhân viên, khách hàng.
Đại diện CGV cho biết hiện 100% nhân viên làm việc tại rạp đã được tiêm phòng Covid-19 ít nhất một mũi. Hệ thống rạp chiếu phim cũng thành lập tổ an toàn phòng chống Covid-19 tại các chi nhánh để tập huấn cho nhân viên. Đồng thời, các tổ này có nhiệm vụ phản ứng nhanh khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.
"Chúng tôi cũng thiết lập đường dây liên lạc giữa ban quản lý rạp, trung tâm y tế địa phương để cập nhật các thông tin về phòng chống dịch hoặc thông báo khi cần", giám đốc nội dung của CGV trao đổi thêm.
Về phía BHD, đại diện nhà rạp cho biết nếu hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa trở lại vào tháng 11 sẽ đón đầu nhiều thuận lợi: Nhiều phim bom tấn của Hollywood đã được ra mắt ở thị trường nước ngoài, các nhà phát hành tại Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn nhiều nguồn phim hay, tốt để trình chiếu.
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng khi rạp tái hoạt động, đại diện BHD cho biết đang nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài và tuân thủ biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.