Đàm Vĩnh Hưng gửi đơn tố bà Phương Hằng, quy trình thụ lý và giải quyết đơn kiện được quy định thế nào?
Sau khi Đàm Vĩnh Hưng chính thức gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng - tổng giám đốc Công ty Đại Nam đến cơ quan CA, nhiều người thắc mắc về các quy định về giải quyết đơn kiện thế nào?
Trước vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng gửi đơn tố cáo, tố bà Nguyễn Phương Hằng - tổng giám đốc Công ty Đại Nam - về hành vi "Làm nhục người khác", "Vu khống", và "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông", nhiều người thắc mắc về việc thụ lý, giải quyết các đơn kiện, tố cáo được pháp luật quy định thế nào?
Trao đổi về vấn đề trên Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội có ý kiến như sau:
Theo Điều 145 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận, giải quyết kịp thời.
Theo quy định tại Điều 146 BLHS 2015 thì khi nhận được đơn tố giác tội phạm, trong vụ việc trên trường hợp nhận được đơn tố cáo của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thì Cơ quan điều tra CA TP Hồ Chí Minh phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Nếu phát hiện tố giác không thuộc thẩm quyền của mình thì Cơ quan điều tra phải chuyển ngay tin tố giác đó cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi nhận được tố giác về tội phạm thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Như vậy, đơn tố giác của Đàm Vĩnh Hưng sẽ được giải quyết theo trình tự, thủ tục về tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý như thế nào?
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội hiện nay rất phổ biến và đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật nhưng hành vi này vẫn còn diễn ra nhiều trên mạng xã hội.
Theo quy định pháp luật hiện hành, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo mức độ và tính chất của hành vi. Nếu xác định việc xúc phạm này chưa là "nghiêm trọng" thì người này sẽ bị xử lý hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chồng tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Ngoài ra, người này còn có trách nhiệm bồi thường dân sự đối với việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự của bạn theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015.
Trong trường hợp hành vi này đã hoàn toàn gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm thì họ có quyền làm đơn tố giác gửi đến cơ quan CA để yêu cầu được giải quyết.
Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015, sủa đổi bổ sung 2017.
Mức phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 2 đến 5 năm nếu nạn nhân bị gây rối loạn tâm thần và hành vi từ 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trước đó, theo Tuổi Trẻ Online đưa tin ngày 21/9, phía CA TP HCM đã nhận được đơn tố cáo của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (Huỳnh Minh Hưng) tố bà Nguyễn Phương Hằng - tổng giám đốc Công ty Đại Nam - về hành vi "Làm nhục người khác", "Vu khống", và "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".