Đăng ký đất đai có phải thủ tục bắt buộc hay không?
Đăng ký đất đai và đăng ký cấp GCNQSDĐ, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khác nhau như thế nào? Khi nào cần phải đăng ký đất đai, và thủ tục đăng ký đất đai có phải là thủ tục bắt buộc?
Luật sư trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật đất đai thì Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính. Còn đăng ký đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là việc nộp hồ sơ đề nghị Cơ quan có thẩm quyền xác nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đăng ký đất đai có phạm vi rộng hơn so với đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc đăng ký đất đai là kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý của một thửa đất vào hồ sơ địa chính, bao gồm đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Còn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với người có quyền.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 thì: “Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu”. Như vậy, việc đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất hoặc người được giao đất để quản lý. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu xin cấp GCNQSDĐ thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ, và thủ tục đăng ký đề nghị cấp GCNQSDĐ là thủ tục không bắt buộc.
Hiện nay, Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
Việc thực hiện đăng ký lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau:
+/ Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;
+/ Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
+/ Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
+/ Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.
Căn cứ vào Khoản 7 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 thì việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.