Đề xuất quy định mới về thời gian lái xe của tài xế
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Đáng lưu ý tại dự thảo mới, Bộ GTVT đề xuất quy định rõ các phương pháp tính toán số km, tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày.
Thời gian lái xe của một lái xe được xác định kể từ khi bắt đầu điều khiển phương tiện (xe bắt đầu chạy) đến khi xe dừng, đỗ trên 5 phút (áp dụng đối với xe buýt nội tỉnh và xe taxi), trên 15 phút (áp dụng đối với các loại xe còn lại) hoặc khi thay đổi lái xe.
Hành vi vi phạm quá thời gian lái xe liên tục được xác định khi người lái xe điều khiển phương tiện liên tục từ 4 giờ trở lên nhưng không dừng, đỗ xe tối thiểu 5 phút (áp dụng đối với xe buýt nội tỉnh và xe taxi), tối thiểu 15 phút (áp dụng đối với các loại xe còn lại).
So với quy định hiện hành, dự thảo đã cập nhật về thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe đối với lái xe taxi và xe buýt nội tỉnh, phù hợp với quy định tại Nghị định 10/2020.
Với đặc thù nghề nghiệp, việc điều khiển phương tiện được thực hiện ở tất cả các ngày, tất cả các khung giờ và trên mọi tuyến đường, không kể ngày đêm, cuối tuần hay ngày nghỉ lễ.
Vì vậy, với quy định hiện tại “ngày làm việc của người lái xe được tính từ khi lái xe bắt đầu điều khiển phương tiện (xe bắt đầu chạy) đến khi đủ 24 giờ hoặc đến khi lái xe nghỉ (không điều khiển phương tiện) đủ 14 giờ trở lên” gây khó khăn cho việc xác định thời điểm bắt đầu điều khiển phương tiện, cũng như khó khăn cho việc xác định thời điểm bắt đầu ngày làm việc của lái xe.
Bộ GTVT đề xuất ngày làm việc của người lái xe được tính từ 00:00 giờ đến 24:00 giờ. Thời gian làm việc của lái xe trong ngày được xác định vượt quá quy định khi tổng thời gian lái xe vượt quá 10 giờ.
Quy định này không làm phát sinh chi phí, thủ tục hành chính giúp tính toán chặt chẽ thời gian làm việc của lái xe, đảm bảo tài xế đủ sức khỏe điều khiển phương tiện, từ đó đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao thông và tham gia hoạt động vận tải đường bộ.
Đồng thời, cũng tạo sự rõ ràng, minh bạch trong giải quyết tranh chấp, tranh cãi trong quá trình giải quyết quyền và lợi ích các bên khi xảy ra tai nạn giao thông.