Dự án chống sạt lở đồi Phú Sơn (Tân Phú, Đồng Nai): Người dân địa phương mong sớm hoàn thành dự án…
Những ngày gần đây, người dân tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú (Đồng Nai) liên tục kêu than vì hiện trường khai thác đất đồi để thực hiện dự án. Thực tế, trong tháng 3/2021 vừa qua, việc khai thác đất trên ngọn đồi cao đã gây ra sự cố sạt đất tràn xuống Quốc lộ 20, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông.
Từ một dự án xử lý tạm thời sạt lở đồi Phú Sơn…
Dự án cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại huyện Tân Phú do Công ty TNHH Minh Minh Đạt làm chủ đầu tư. Theo phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai, mục tiêu dự án là xử lý sạt lở tạm thời đất đồi nhằm đảm bảo ổn định, an toàn tính mạng và tài sản của người dân sống trong khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn.
Dự án này đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tổng vốn đấu tư trên 9,5 tỷ đồng (nguồn xã hội hóa 100% vốn sở hữu của doanh nghiệp). Theo dự kiến dự án thực hiện trong 3 năm, từ năm 2019 đến 2021. Loại cấp công trình dự án thuộc công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng chống thiên tai, sạt lở, cấp 4.
Thực tế, do ảnh hưởng bởi các quy trình thủ tục hồ sơ, khảo sát, thiết kế, cấp duyệt, thực hiện dự án… qua các cấp ngành phải chờ đợi và kéo dài, nên vào tháng 7/2020, chủ đầu tư là Công ty TNHH Minh Minh Đạt mới hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền (hơn 389 triệu đồng) để được cấp quyền khai thác khoáng sản, thực hiện dự án. Đồng thời cuối tháng 7/2020, công ty này mới báo cáo đến cơ quan chức năng và tiến hành khởi công thực hiện dự án. Như vậy, việc khởi công dự án này trễ mất hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Khu vực sát chân đồi dự án có vài chục hộ dân cư sinh sống và có đất, cây trồng liên quan đến dự án. Chiều dài toàn tuyến công trình phải xử lý sạt lở là 1.000m, được chia làm 3 đoạn (đoạn 1 dài 230m, đoạn 2 dài 310m, đoạn 3 dài 460m) và thực hiện trong 3 năm. Từ khi thi công công trình đến thời điểm hiện nay, dự án chỉ mới múc đất đồi ở đoạn 3 và có liên quan bồi thường đến 5 hộ dân sinh sống.
Theo yêu cầu dự án, hình thức xử lý chống sạt lở tạm thời là bạt mái đồi cao, tạo taly với hệ số mái m=1,0. Cứ lên cao trên đồi 6 m thì tạo 1 cơ rộng 4,0m, mỗi cơ sau khi hoàn thiện đào tạo rãnh nước mưa chạy dọc theo cơ dẫn nước về hai bên xuống chân đồi. Trên thực tế, sau khi chủ đầu tư dự án bắt đầu khai thác đất đồi để thực hiện dự án thì người dân phản ánh những bất cập về việc thi công dư án này, cũng như mối nguy hại đất đồi sạt lở xuống nhà dân và mặt đường quốc lộ 20.
Mong ước bạt ngọn đồi để có được giấc ngủ yên…
Ngày 1/4/2021, chính quyền địa phương đại diện UBND huyện Tân Phú, UBND xã Phú Sơn đã đến kiểm tra hiện trường “Dự án cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai”.
Theo ghi nhận thực tế của cơ quan chức năng, về quy mô mô và tính chất dự án là bạt mỏng thấp một ngọn đồi, tạo ra những bậc cấp nhằm để tránh việc sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, vì dự án nằm sát quốc lộ 20 nên dễ có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như gây ra bụi mù ô nhiễm môi trường cuộc sống người dân xung quanh.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Giao, một hộ gia đình đã sinh sống ngay dưới chân ngọn đồi Phú Sơn hơn 40 năm cho biết: "Chúng tôi là những người dân rất nghèo khổ, chưa bao giờ ngủ yên giấc. Trời mưa, đêm nằm ngủ đá đất sụt đổ lăn xuống ầm ầm. Cũng đã có hai người dân nơi đây bị đất đá lăn đè xém chết. Bây giờ chúng tôi mong sao địa phương có biện pháp giải quyết xong ngọn đồi để người dân được ăn ngon ngủ yên, không còn cảnh đêm đến chồng canh cho vợ ngủ, vợ canh cho chồng ngủ”. Bà Giao cũng cho biết, khi thực hiện dự án, công ty thi công đã giúp đỡ hỗ trợ cho mỗi cho mỗi hộ gia đình 5 triệu/tháng.
Gia đình của anh Thu cũng ở ngay chân ngọn đồi Phú Sơn. Anh Thu kể: "Trước giờ cuộc sống người dân ở đây quá nhiều nỗi khổi. Ban đêm, các hộ gia đình đều phải ra ngoài trời nằm ngủ, không ai dám nằm trong nhà vì sợ đất đá trên đồi dội xuống. Khi nghe nói có công ty đến bạt ngọn đồi này dân ở đây không ai có thể tin nổi vì ngọn đồi quá cao. Tôi mong sao công ty sớm giải quyết xong ngọn đồi để cho dân ở đây có thể an cư lập nghiệp”.
Ông Phạm Ngọc Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết: Xuất phát từ nhu cầu địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương cho địa phương thực hiện dự án chống sạt lở ngọn đồi Phú Sơn nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân. Trong đó, UBND tỉnh có cho phép đơn vị đầu tư dự án là Công ty TNHH Minh Minh Đạt được thu hồi vật liệu (đất đồi).
Tương tự, phía Sở NN & PTNT lên UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết: Xuất phát từ thực tế địa phương, ngày 15/10/2017, khi mưa lớn đất từ đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú sạt lở xuống gây sập tường nhà, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân sống trong khu vực. Cụ thể có đến 68 hộ dân bị sập tường nhà, và nguy cơ cao do đất sạt lở cao.
Để đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra sạt lở đất đồi ở khu vực này, Sở NN & PTNT phối hợp các Sở ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, thống nhất tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập dự án xử lý sạt lở đất đồi, theo hình thực xã hội hóa tại văn bản số 3029/UBND-CNN ngày 30/3/2018.
Cơ quan chức năng báo cáo sự việc lên UBND tỉnh…
Ngày 1/4/2021, Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Nai có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh này về tình hình triển khai dự án cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Sở Nông nghiệp và PTNT kính báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Sở NN & PTNN nêu rõ quá trình chủ đầu tư lập thủ tục hồ sơ kéo dài, do hồ sơ chủ trương đầu tư và hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần theo ý kiến góp ý của các Sở ngành và đơn vị thẩm định. Công tác thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiên dự án gặp khó khăn. Tuy đã được địa phương quan tâm tuyên truyền, vận động nhưng đến nay chỉ có 4 hộ dân chấp thuận đền bù di dời (đoạn 3). Còn lại đoạn 1, 2 có chiều dài khoảng 540 m, chưa thi công do chưa thỏa thuận giải phóng mặt bằng với các hộ dân.
Sở đã đề nghị chính quyền địa phương tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thi công của chủ đầu tư. Ngày 26/02/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Tân Phú và Công ty TNHH Minh Minh Đạt tổ chức kiểm tra hiện trường. Kết quả kiểm tra đoạn đang thi công (đoạn 3): Biện pháp thi công chưa thực hiện theo thiết kế được duyệt: đào mái thẳng đứng, chưa bạt mái taluy, tạo cơ theo thiết kế và có 1 máy đào đang đào sâu vào chân đồi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp với các Sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư khắc phục những tồn tại. Đồng thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Ông Phạm Ngọc Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết: Với vai trò trách nhiệm của huyện, cơ quan này đã thường xuyên theo dõi, đi kiểm tra công trình. Mọi hoạt động dự án cũng diễn ra bình thường. Tuy nhiên vào thời điểm tháng 3/2021, huyện đã phát hiện một vài dấu hiệu sai sót trong khi thi công dự án. Cụ thể đơn vị thi công công trình đã thực hiện vượt mốc ranh giới dự án, không thực hiện theo bản thiết kế đã được phê duyệt…
“Trước mắt chúng tôi đề nghị ngưng ngay thi công ra ngoài phạm vi mốc ranh giới cho phép trong thiết kế. Không đào sâu vào bên trong ngọn đồi và đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Phía UBND huyện trong ngày hôm nay (2/4/2021) sẽ gửi báo cáo lên UBND tỉnh Đồng Nai để xin chỉ đạo”, ông Phạm Ngọc Hưng nói.
Thi công không theo đúng thiết kế đã duyệt, vì sao?
Phía Công ty TNHH Minh Minh Đạt đơn vị đầu tư dự án và thực hiện thi công công trình cũng đã giải trình với cơ quan chức năng về việc thi công vượt ngoài ranh mốc của dự án và sai thiết kế. Theo đó, hiện trạng đồi đất ban đầu nằm sát đường quốc lộ, có mặt dựng đứng cao tầm 50 mét và không có đường dẫn lên đỉnh đồi. Công ty đã thi công từ mép đường vào phía trong chân đồi 50m để tạo mặt bằng làm nơi dừng đỗ và quay đầu xe.
Đồng thời, từ đây làm con đường xoắn ốc lên đỉnh đồi để thi công bạt mái Taluy. Tuy nhiên địa chất khá mềm nên quá trình thi công rất khó khăn. Những đoạn đường dẫn lên trên đỉnh đã tạo được lại sụp xuống, do đó đơn vị thi công vừa dọn dẹp đất sạt dưới chân vừa tiếp tục thi công tạo đường lên để bạt mái Taluy theo thiết kế.
Quá trình lặp lại nhiều lần dẫn đến việc thi công lấn sâu vào trong và lấn ra ngoài ranh dự án ở một số cột mốc từ 29 đến cột mốc 40. Đến nay công ty đang khắc phục và tăng cường thêm các phương tiện máy móc ở công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công tạo TaLuy theo như bản vẽ thiết kế.
Về biện pháp an toàn cho người dân sinh sống tại địa phương, công ty cho biết hiện đã chuẩn bị sẵn bảng, đèn tín hiệu cảnh báo hai đầu đường quốc lộ 20 đoạn qua khu vực dự án. Công ty chủ động bố trí người canh trực ở công trường trong những ngày mưa bão. Sẵn sàng nhân lực và các phương tiện cơ giới để xử lý nhanh chóng và kịp thời khi có hiện tượng mưa trôi đất xuống đường Quốc lộ 20.