Đường sắt nguy cơ tạm dừng hoạt động: Lỗi tại ai?
Sau khi về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngành đường sắt chưa được giao dự toán ngân sách hằng năm để chi trả cho dịch vụ công ích khiến đường sắt có nguy cơ tạm dừng hoạt động.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC), ông Vũ Anh Minh - chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, nếu đến tháng 3/2020 việc giao dự toán ngân sách chưa được thực hiện, hoạt động chạy tàu trên toàn quốc có thể phải tạm dừng vì không có tiền trả lương cho nhân viên tuần đường, gác chắn...
Theo ông Minh, những tháng gần đây VNR phải ứng tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên ngành đường sắt để duy trì hoạt động do chưa có tiền.
Theo thông lệ, trước ngày 31/12 hằng năm, Bộ GTVT sẽ giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, đảm bảo hoạt động đường sắt.
Trên cơ sở đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty của VNR trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường, gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước.
Tuy nhiên, đến nay VNR vẫn chưa nhận được dự toán. Nguyên nhân là do điều 49 Luật ngân sách nhà nước quy định cơ quan nhận được ngân sách phải giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, mà VNR không phải đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết trong 5 doanh nghiệp ngành giao thông chuyển sang Ủy ban QLVNN thì gặp khó khăn, vướng mắc lớn nhất là đường sắt, hàng không và Tổng Công ty Quản lý đường cao tốc (VEC).
Theo ông Công, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị tiếp tục giao dự toán ngân sách nhà nước cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện đến năm 2025. Tuy nhiên, văn bản của Quốc hội chỉ là tiếp tục giao cho bộ thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới, chứ không giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
“Cấp trên giao cho chúng tôi thế nào thì thực hiện thế, chứ không có cách nào khác. Chúng tôi không thể vận dụng những gì mà pháp luật không quy định để rồi phải chịu rủi ro”- ông Công nói và khẳng định Bộ GTVT phải thực hiện theo đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Cao Lục - phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phó tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và VNR phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và giao thông đường sắt thông suốt trong mọi trường hợp.
Theo ông Lục, những khó khăn vướng mắc mà VNR nêu đã được đặt trên bàn của Chính phủ, đề nghị Bộ GTVT và SCIC có báo cáo thêm nhưng việc cấp bách là phải giao kế hoạch vốn cho VNR.
Những gì vướng luật phải kiến nghị sửa luật. Nếu cần thiết, cho VNR quay lại Bộ GTVT để đảm bảo hiệu quả trong quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban cho rằng: Những vướng mắc cần được các cơ quan chức năng quan tâm, tháo gỡ, chứ không phải là xin quay trở về chỗ cũ.
“Việc thành lập Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp là quyết định quan trọng của Bộ Chính trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Nay chỉ vì một hai vướng mắc mà xin quay trở lại là không được; đưa đi, đưa về đơn giản quá, không đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Liên quan đến vấn đề này, theo báo PLO, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay đang giao cho các đơn vị tổng hợp, đánh giá những khó khăn, thuận lợi khi VNR chuyển về lại Bộ GTVT và báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.
“Hiện Ban cán sự đảng Bộ GTVT đang họp xem xét vấn đề này theo hướng đồng thuận nhận lại VNR để giải quyết những khó khăn cấp bách. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn chạy tàu cho người dân, DN trên cơ sở đúng pháp luật hiện hành” - ông Đông cho hay.
P.V