EU: Lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch xuống mức thấp nhất 60 năm
Số liệu tổng hợp mới công bố cho thấy vào năm 2023, lượng khí CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch do Liên minh châu Âu (EU) tạo ra đã giảm khoảng 8% so với năm 2022
Theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Crea), mức giảm nêu trên là mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ sau năm 2020, khi các chính phủ đóng cửa các nhà máy và đình chỉ các chuyến bay để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Báo cáo cho thấy hơn một nửa lượng khí thải giảm tại EU là nhờ khối này sử dụng điện từ các nguồn sạch hơn. Theo dữ liệu của ngành, EU đã lắp đặt số lượng tấm pin mặt trời và tuabin gió cao kỷ lục vào năm 2023, đồng thời có thể tạo ra nhiều điện hơn từ các đập và nhà máy điện hạt nhân từng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tạm đóng cửa để sửa chữa vào năm trước.
Cũng theo báo cáo, nhu cầu điện thấp hơn nhờ thời tiết thuận lợi đã góp phần làm giảm 8% lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch. Việc cắt giảm khí thải trong các lĩnh vực như công nghiệp và vận tải chiếm 36%.
Tuy nhiên, các số liệu này không bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, các quy trình như sản xuất ximăng hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác như metan.
Nhưng trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng do xu hướng điện khí hóa mở rộng trong những năm tới, việc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng phải theo kịp tốc độ chuyển đổi này.
Để góp phần kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu, EU đã cam kết sẽ cắt giảm 55% lượng khí gây ô nhiễm vào cuối thập kỷ này so với mức của năm 1990, trước khi đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuần trước, các cố vấn về khí hậu của EU cho biết cần tăng tốc độ cắt giảm khí thải nếu khối này muốn đạt được mục tiêu cho năm 2030.
Theo báo cáo từ Ban cố vấn khoa học châu Âu về biến đổi khí hậu, 27 quốc gia thành viên cần cắt giảm lượng khí thải nhanh gấp đôi mức họ đã làm trong 17 năm qua.
Ban cố vấn đã đưa ra danh sách 13 khuyến nghị bao gồm khẩn trương loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, mở rộng cơ chế định giá khí thải của châu Âu để bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp và thông qua các luật cuối cùng trong Thỏa thuận Xanh của EU.