WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
WHO đã phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ của Công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) để sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine thứ hai nhận được sự chấp thuận này.
WHO tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bà Yukiko Nakatani - trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách lĩnh vực thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe - khẳng định đây là bước tiến quan trọng trong công tác ứng phó với tình trạng khẩn cấp hiện nay, cung cấp một lựa chọn mới để bảo vệ mọi nhóm dân số, trong đó có trẻ em.
Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ tài trợ 3,05 triệu liều LC16m8 cùng với kim tiêm chuyên dụng cho Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 39.000 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 1.000 ca tử vong.
Theo WHO, đây là gói tài trợ lớn nhất được công bố cho đến nay để ứng phó với tình trạng khẩn cấp của bệnh. WHO khuyến cáo không nên sử dụng vaccine này cho phụ nữ mang thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch.
Tháng trước, WHO cũng đã chính thức phê duyệt sử dụng vaccine phòng đậu mùa khỉ của hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước căn bệnh này.
Trong bối cảnh số ca nhiễm chủng Clade 1b (dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn) tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này, WHO ngày 14/8 đã ban bố trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ. Cho đến nay, chủng Clade 1b và các chủng virus đậu mùa khỉ khác đã xuất hiện tại trên 80 quốc gia, gồm 19 nước ở "Lục địa Đen."
Bệnh đậu mùa khỉ do một loại virus có thể lây truyền sang người từ động vật mắc bệnh hay thông qua tiếp xúc vật lý gần. Bệnh gây sốt, đau nhức cơ, tổn thương da và có nguy cơ gây tử vong.