Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 30/08/2024 07:46 (GMT+7)

Gặp gỡ chủ quán 'phở treo' độc đáo giữa lòng Hà Nội

Những ngày gần đây, không ít người rỉ tai nhau về một quán phở khá đặc biệt giữa lòng thành phố Hà Nội, đó là quán "phở treo"

Tại sao lại gọi là "phở treo"?

Có lẽ, rất nhiều người sẽ thắc mắc ý nghĩa "phở treo" là gì và vì sao quán lại có tên gọi như vậy? Theo lời chị Cát Lệ, "phở treo" là một hình thức từ thiện bằng cách khách đến ăn trả thêm tiền một hay nhiều suất rồi gửi lại quán. Quán sẽ có nhiệm vụ để dành những suất phở cho ai thực sự cần hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn.

Độc đáo 'phở treo' giữa lòng Hà Nội: Đằng sau mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái Ảnh 1
Chị Cát Lệ - chủ quán "phở treo" đang nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người.

Về ý tưởng thực hiện mô hình này, chị Cát Lệ cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chị tình cờ xem tivi thì biết đến mô hình "cà phê treo" ở Ý. Ngay lập tức, người phụ nữ này đã nảy ra suy nghĩ sẽ thực hiện một mô hình tương tự để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, do nhịp sống thời điểm đó chưa ổn định, chị lại tạm gác lại ý tưởng của mình.

Cho đến hiện tại, chị Cát Lệ đã biến ý tưởng độc đáo này thành hiện thực. Quán "phở treo" đến nay đã hoạt động được hơn 1 tháng.

"Ai cũng biết rằng, thói quen buổi sáng của Việt Nam khác bên nước Ý. Thay vì uống cà phê vào buổi sáng, người Việt sẽ lựa chọn ăn sáng để bắt đầu một ngày làm việc", chị Lệ chia sẻ.

Độc đáo 'phở treo' giữa lòng Hà Nội: Đằng sau mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái Ảnh 2
Khách đến ăn trả thêm tiền một hay nhiều suất rồi gửi lại quán. Quán sẽ có nhiệm vụ để dành những suất "phở treo" cho những hoàn cảnh khó khăn.

Cũng theo chị Lệ, trước khi cho ra đời quán "phở treo", chị đã tham khảo ý kiến của những người thân yêu. May mắn ai cũng tán thành và ủng hộ nên càng làm chị có thêm động lực để thực hiện.

"Khi tôi nói về ý tưởng này với chồng, con trai và người thân thì ai nấy cũng đều tán thành và hưởng ứng. Mô hình "phở treo" được ra đời là sự chung tay của nhiều người, không phải riêng tôi làm lên", chị Lệ mỉm cười nói.

Để có số lượng suất phở ổn định, mỗi ngày quán sẽ tự treo 30 bát. Số tiền sẽ được trích từ phần trăm doanh thu của quán. Các thực khách muốn phát tâm thì sẽ bắt đầu "treo" từ số 31.

Độc đáo 'phở treo' giữa lòng Hà Nội: Đằng sau mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái Ảnh 3
Để hình thức từ thiện lan toả và được nhiều người biết đến, chị Cát Lệ đã nhờ con trai thiết kế thêm phần chú thích tiếng Việt và tiếng Anh

Chị Lệ kể thêm, những ngày đầu treo tấm biển "phở treo", rất nhiều người hỏi chị "phở treo" là gì. Thậm chí cả người nước ngoài, khi họ thấy thì cũng ngạc nhiên và thắc mắc. Chính vì vậy, chị đã nhờ cậu con trai thiết kế thêm phần chú thích tiếng Việt và tiếng Anh. Để ai cũng có thể hiểu được ý nghĩa.

Mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái

Khi mở mô hình "phở treo", chị Cát Lệ lại càng thấu hiểu hơn về những người có hoàn cảnh khó khăn. Có một hoàn cảnh khiến chị thương nhất, đó là vào khoảng 2 tuần trước, khi chị đang bận rộn với công việc thì có một anh bảo vệ dắt tay một người đàn ông khắc khổ, mặt mũi nhợt nhạt vào trong quán.

Độc đáo 'phở treo' giữa lòng Hà Nội: Đằng sau mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái Ảnh 4
Bát "phở treo" ấm áp lòng nhân ái dành tặng đến các hoàn cảnh khó khăn

Người bảo vệ nói với chị rằng: "Chị ơi, nãy em thấy bạn này bới rác tìm đồ ăn. Chị cho bạn ấy xin một bát "phở "reo" nhé". Lúc đó, tôi nhìn qua thì thấy người này trông sức khỏe yếu, vẻ mặt tỏ ra lo lắng. Tôi nghĩ chắc người này sợ phải trả tiền nên đã giải thích.

Sau đó, tôi bảo "sau em cứ đến đây ăn phở, không phải đi tìm và ăn đồ ở bãi rác. Ăn ở đó mất vệ sinh và không tốt cho sức khỏe đâu". Bạn ấy ngượng ngừng rồi gật đầu. Sau hôm đó, bạn ấy hôm nào cũng đến, ngày 2 bữa".

Độc đáo 'phở treo' giữa lòng Hà Nội: Đằng sau mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái Ảnh 5
Chị Cát Lệ tất bật với việc làm phở cho khách

Vị khách ấy không ai khác chính là anh Trần Anh Dũng (SN 1991). Chia sẻ về kỷ niệm lần đầu biết đến "phở treo", anh Dũng cho biết, sau khi được bạn bảo vệ rủ đi ăn "phở treo", ban đầu anh khá ngại ngùng và định từ chối vì số tiền anh kiếm được nhờ nhặt rác không dễ dàng gì. Tuy nhiên, sau khi được người bảo vệ này thuyết phục, anh cũng đến quán "phở treo" của chị Cát Lệ. Đến nơi, anh Dũng được mọi người giải thích rằng người ăn sẽ không phải trả tiền, lúc đó anh mới yên tâm ngồi xuống ăn.

"Tôi ăn "phở treo" được khoảng 2 tuần nay rồi. Bát phở rất to, phở rất ngon, chị chủ quán nhiệt tình lắm. Nay chị còn cho chúng tôi thêm 100 nghìn đồng để phòng ốm đau, bệnh tật mua thuốc", anh Dũng vui vẻ nói.

Độc đáo 'phở treo' giữa lòng Hà Nội: Đằng sau mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái Ảnh 6
Anh Dũng (góc bên trái) và người bạn ngồi ăn "phở treo" cùng trò chuyện cùng chị Cát Lệ.

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của mình, anh Dũng cho biết, anh thường nhặt rác, vỏ chai nhựa ở quanh khu vực Hồ Gươm để mưu sinh, nhưng công việc này chỉ giúp anh đổi lại kiếm được 20-30 nghìn đồng/ngày. Với mức thu nhập như vậy, anh chẳng dám nghĩ đến việc vào quán ngồi ăn phở.

Ấn tưởng với mô hình "phở treo", anh Nguyễn Quang Linh – một vị khách quen của quán chị Cát Lệ, cho biết, sau khi biết về ý nghĩa của mô hình "phở treo", mỗi lần ăn phở xong anh đều "treo" vài suất. "Hôm nay tôi "treo" 2 suất", anh Linh hào hứng nói.

Một vị khách khác là anh Lê Hiếu (28 tuổi, Hà Nội) cũng cho biết, anh và bạn của mình thi thoảng đến đây ăn sáng. Nay để ý mới biết đến mô hình này. "Thấy mô hình "phở treo" rất ý nghĩa nên tôi và bạn quyết định mỗi người "treo" một suất", anh Hiếu cho hay.

Bất kể ai cũng có thể đến ăn phở treo mà không cần trả tiền

Khi được hỏi về việc những người có hoàn cảnh như thế nào sẽ được ăn "phở treo", chị Lệ cho hay, bất kể ai cũng có thể đến thưởng thức. Tuy nhiên, quán sẽ ưu tiên người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, sinh viên. Bởi lẽ, những đối tượng này thường có hoàn cảnh khó khăn hơn, một bát phở treo khi cần sẽ giúp họ đỡ được phần nào chi phí.

Độc đáo 'phở treo' giữa lòng Hà Nội: Đằng sau mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái Ảnh 7
Sau khi mở mô hình "phở treo", chị Cát Lệ càng thêm thấu hiểu cho những mảnh đời khó khăn.

Ngoài ra, chị Cát Lệ cũng tiết lộ thêm, những chiếc bát đựng phở dành cho khách ăn "phở treo" được quán của chị đặt riêng.

"Chiếc bát to hơn, chúng tôi sẽ cho nhiều phở và thịt hơn. Bởi vì, đa phần các cô, chú đến ăn phở "treo" đều là những người lao động, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người gần trưa mới đến ăn vì họ muốn gộp hai bữa sáng và trưa thành một. Tôi cũng khuyên họ đói thì cứ đến ăn, nhưng họ ngại, họ chỉ đến ăn một bữa.

Chính vì điều này nên chúng tôi quyết định đặt riêng những chiếc bát to hơn để dành cho khách ăn "phở treo", mong rằng họ được ăn no bụng", chị Cát Lệ chia sẻ.

Độc đáo 'phở treo' giữa lòng Hà Nội: Đằng sau mỗi bát phở là một tấm lòng nhân ái Ảnh 8
Bát đựng "phở treo" được phía chị Cát Lệ đặt riêng, to hơn, được cho nhiều thịt và phở hơn...

Được biết, không chỉ sáng lập ra mô hình từ thiện "phở treo", chị Cát Lệ còn là gương mặt làm thiện nguyện cực kỳ quen thuộc suốt 10 năm qua. Khi có cơ hội, chị Cát Lệ thường xuyên tổ chức tặng cơm, phở, cháo miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng chuyên mục

Đề nghị truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3
Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) có Tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng.

Tin mới

Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...