Giá xăng dầu hôm nay 31/8/2023: Cập nhật giá xăng dầu trong nước, quốc tế
Cập nhật giá xăng dầu trong nước và thế giới mới nhất hôm nay 31/8/2023. Cập nhật giá xăng dầu thế giới mới nhất, giá dầu thô và các phiên điều chỉnh giá xăng
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 31/8
Ghi nhận vào lúc 6h30 ngày 31/8 (giờ Việt Nam), Dầu Brent tăng 0,287 USD/thùng, tương ứng +0,34% ở mức 85.244 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,5 USD/thùng, tương ứng +0,62% ở mức 81.61 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục tăng khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô thắt chặt hơn dự kiến, trong khi lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc hạn chế mức tăng.
Tâm lý lo ngại về cơn bão Idalia ở Vịnh Mexico tiếp tục bao trùm thị trường, lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ (nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới) sụt giảm mạnh tiếp tục đẩy giá dầu thế giới lên cao hơn.
Theo Reuters, ngày 30/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 25/8 đã giảm 10,6 triệu thùng xuống còn 422,9 triệu thùng. Mức giảm ngày cao gấp 3 lần so với mức giảm dự kiến của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters (giảm 3,3 triệu thùng), nhưng thấp hơn so với mức giảm “khủng” 11,5 triệu thùng mà Viện Dầu khí Mỹ đã báo cáo trước đó một ngày.
Cũng theo EIA, tồn kho xăng của Mỹ giảm 200.000 thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 1,2 triệu thùng.
Theo Reuters, chỉ số USD giảm sau khi dữ liệu cho thấy cơ hội việc làm ở Mỹ, thước đo nhu cầu lao động, đã giảm trong tháng 7. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy cơ hội việc làm đã giảm 338.000 xuống 8,827 triệu vào ngày cuối cùng của tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2021.
Cơ hội việc làm giảm có thể được phản ánh bởi tốc độ tăng trưởng việc làm chậm hơn trong tháng 8. Các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng bảng lương phi nông nghiệp sẽ giảm bớt trong tháng 8 sau khi công bố mức tăng nhỏ thứ hai kể từ tháng 12-2020 vào tháng 7.
Các chuyên gia cho biết sự yếu kém trên thị trường lao động có thể khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất.
Giá dầu diesel kỳ hạn tại Mỹ tăng khoảng 5% lên mức cao nhất gần 7 tháng, thúc đẩy chênh lệch giữa 1 thùng dầu thô và thành phẩm, thước đo tỷ suất lợi nhuận lọc dầu, lên mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2023. Trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu đi vào bảo trì nên nhiều thị trường lo lắng tình trạng thiếu dầu diesel, các nhà phân tích cho hay. Điều này cũng đã mang lại hỗ trợ nhất định cho giá dầu.
Dẫu vậy, giá dầu vẫn bị tác động mạnh bởi yếu tố vĩ mô, như phát biểu của Chủ tịch Fed trong Hội nghị Jackson Hole. Chủ tịch Fed cho biết sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu cần thiết, giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi đảm bảo rằng lạm phát đang giảm xuống mức mục tiêu 2%. Điều này đòi hỏi nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt. Những phát biểu cứng rắn này đã kéo đồng USD tăng giá và gây áp lực mạnh tới giá dầu ngay trong phiên tối.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào thứ Năm và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này.
Trung Quốc đã giảm một nửa thuế trước bạ đối với giao dịch chứng khoán, nhưng thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xóa bỏ phần lớn mức tăng mạnh đầu phiên do lo ngại dai dẳng về nền kinh tế trì trệ.
Trong tuần trước, giá dầu giảm bởi nhiều yếu tố tác động, trong đó, yếu tố chính là hoạt động kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc làm giảm kỳ vọng tăng nhu cầu dầu của nước này vào những tháng còn lại của năm.
Theo Reuters, các gói kích thích kinh tế cam kết đã không đạt được như kỳ vọng. Thêm vào đó, việc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản thấp hơn dự kiến của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tác động không nhỏ đến thị trường dầu.
Giá dầu lao dốc còn bởi sự tăng giá của đồng USD. Tuần trước, đồng USD đã tăng vượt mốc kháng cự 104 sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại hội nghị thường niên Jackson Hole nhấn mạnh Fed sẽ sẵn sàng tăng lãi suất cao hơn nữa nếu cần, đồng thời có ý định giữ chi phí đi vay ở mức cao cho tới khi lạm phát đi theo hướng mục tiêu 2% mà Fed đưa ra. Điều này có nghĩa là Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Hạn chế đà giảm của giá dầu là thông tin Saudi Arabia có thể sẽ kéo dài việc cắt giảm dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 10, tháng giảm thứ ba liên tiếp. Như vậy, sản lượng của Riyadh sẽ chỉ còn 9 triệu thùng/ngày.
Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện này của Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn và khi vương quốc này đặt mục tiêu giảm thêm lượng tồn kho toàn cầu.
Trong khi đó, hỗ trợ giá dầu là sự giảm trong tồn kho dầu khí ở châu Âu, giá dầu diesel của Mỹ tăng vọt, các hoạt động khoan dầu khí bị cắt giảm, và hỏa hoạn bùng phát tại một nhà máy lọc dầu ở Louisiana.
Trong tuần trước, báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục giảm thêm 6,1 triệu thùng.
Mặc dù giảm tuần thứ hai liên tiếp nhưng giá dầu vẫn có dấu hiệu tăng. Theo các nhà phân tích, thị trường sẽ tiếp tục giảm lượng tồn kho trong những tháng còn lại của năm, hỗ trợ giá dầu tăng. Trong khi đó, các nhà phân tích tại Morgan Stanley kỳ vọng giá dầu Brent sẽ được hỗ trợ tốt khoảng 80 USD/thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Theo quyết định của liên bộ Công Thương-Tài chính, giá xăng dầu trong nước từ 15h30 ngày 11/8.
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 tăng 517 đồng/lít, lên 23.339 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 608 đồng/lít, lên 24.601 đồng/lít. Tuy nhiên tại kỳ điều hành này, giá dầu diesel giảm nhẹ 71 đồng/lít xuống còn 22.354 đồng/lít. Đối với dầu hỏa lại tăng 420 đồng/lít lên 22.309 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 313 đồng/kg lên 17.981 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng có đợt tăng giá lần thứ 5 liên tiếp từ đầu tháng 7 đến nay. Sau thay đổi hôm nay, giá xăng RON 95-III hiện ngang với ngưỡng hồi tháng 10/2021.
Tại kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ tiếp tục không trích lập và dừng chi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính tới tháng 7, quỹ này đang dư 7.438 tỷ đồng. Vì thế, cơ quan quản lý đã ngừng trích lập vào quỹ này từ kỳ điều hành đầu tháng 7 đến nay.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới 10 ngày qua tăng, giảm đan xen do chịu tác động từ tăng giá đồng USD, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và Trung Quốc dùng dầu dự trữ để ngăn OPEC+ giảm nguồn cung. Việc này đã đẩy giá xăng thành phẩm vượt 100 USD mỗi thùng.
Bình quân giá thành phẩm với xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) tăng 3,14%, lên mức 102,76 USD một thùng; RON 95 cũng tăng gần 3%, lên 108,38 USD một thùng. Tương tự, dầu hỏa cũng tăng gần 2,4%, còn diesel quay đầu giảm 0,3%, về 116,72 USD mỗi thùng.
Bảng giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex
Sản phẩm Vùng 1 Vùng 2
Xăng RON 95-V | 25.030 | 25.530 |
Xăng RON 95-III | 24.600 | 25.090 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.330 | 23.790 |
DO 0,001S-V | 22.880 | 23.330 |
DO 0,05S-II | 22.350 | 22.790 |
Dầu hỏa 2-K | 22.300 | 22.740 |
Giá xăng dầu trong nước có thể tăng nhẹ sau lễ 2/9
Theo dự báo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ giá xăng trong nước sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ do giá dầu thế giới tuần qua biến động theo xu hướng tăng.
Tuy nhiên, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh rơi vào ngày thứ Sáu (1/9), có thể các cơ quan điều hành giá xăng dầu dời ngày điều chỉnh giá sang sau kỳ nghỉ lễ, tức ngày 5/9 theo quy định.
Giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh tới có thể tăng nhẹ, dao động từ 50 - 300 đồng/lít, chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác, nếu có thay đổi.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.