Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 25/01/2020 14:00 (GMT+7)

Hà Nội: Đình và đền Kim Liên mang nhiều giá trị lịch sử

Đình và đền Kim Liên được mệnh danh là một trong Tứ trấn Thăng Long của đất Hà thành xưa. Năm 1990, đình được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đình và đền Kim Liên tọa lạc số 148A phố Kim Hoa, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.  Từ năm 1990 đến nay, đình và đền Kim Liên đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và là điểm thăm quan tâm linh thu hút nhiều du khách. 

Đình Kim Liên trùng tu, sửa chữa khang trang, sạch đẹp

Đình và đền Kim Liên  thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi). Tấm bia đá đặc biệt cao 2,34m, rộng 1,57m, dày 0,22m là di vật quý giá nhất hiện còn lưu giữ ở đền, trên có khắc bài tựa “Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, nói về công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích. 

Nội dung cho biết: Khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay là Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương". Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công.

Vì thế, vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn được lập ở Phụng Hóa. Sau nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, nên năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ.

Tài liệu quý của đình đền Kim Liên được lưu giữ rất cẩn thận.

Đình và đền Kim Liên được xây dựng trên một gò đất cao ở phía Đông đầm Kim Liên. Cổng và cửa chính điện đều hướng về phía Tây, trông ra đầm Kim Liên (đầm này nay không còn do bị lấp đi để làm đường vành đai 1). Kiến trúc của đình bao gồm hai phần tương đối rõ: phần phía trước gò có một cổng trụ biểu, hai dãy giải vũ hai bên sân gạch rộng và phần kiến trúc chính của di tích nằm trên gò đất cao. Đi hết khoảng sân trên thì qua chín bậc gạch cao được xây bằng những viên gạch vồ có kích thước lớn thời Lê Trung Hưng nối hai bộ phận kiến trúc trên.

Kết cấu đình và đền Kim Liên gồm có Nghi môn, Đại bái và Cung cấm. Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột trốn. Trên các bộ phận kiến trúc các họa tiết trang trí được thể hiện sinh động, công phu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nhà đại bái gồm 5 gian mới được thành phố tôn tạo trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, với kiểu dáng kiến trúc truyền thống.

Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta. Trong nhà xây vòm cuốn, nội thất được bố trí như sau: gian ngoài cùng, bó bệ gạch cao để đặt hương án; gian thứ hai xây bệ gạch cao để đặt long ngai và các đồ tế khí. Gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng (Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh công chúa).

Đình và đền Kim Liên những năm gần đây được gìn giữ và tôn tạo vẻ đẹp tự nhiên nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống di sản văn hóa địa phương. Đặc biệt trong thời gian gần đây được sự quan tâm của chính quyền phường Phương Liên thường xuyên được tu bổ, tôn tạo, hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn ngày càng khang trang, sạch đẹp góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ.