Hải Dương: Dự án 'Khu dân cư, dịch vụ, thương mại' gặp khó gì khi chọn nhà thầu?
Kể từ ngày tổ chức nhận hồ sơ đấu thầu (26/6/2019) gói thầu đầu tư xây dựng “Khu dân cư, dịch vụ, thương mại”, đến nay đã hơn 100 ngày, nhưng UBND TP. Hải Dương vẫn chưa thông báo kết quả trúng thầu.
Để đưa TP. Hải Dương thành một khu đô thị sang trọng, hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo giao thương trong khu vực và các vùng phụ cận theo hướng phát triển bền vững, góp phần đưa TP. Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020, những năm qua, đã có nhiều dự án được đầu tư vào Thành phố. Và trong đó, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng “Khu dân cư, dịch vụ, thương mại” được đánh giá sẽ tạo nên một điểm sáng cho Thành phố.
Theo Quyết định 1700/QĐ-UBND ngày 01/6/2018 của UBND tỉnh Hải Dương về việc Phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng danh mục đất công bố lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2018 và Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 27/3/2019 về việc Phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng “Khu dân cư, dịch vụ, thương mại”, UBND TP. Hải Dương được giao nhiệm vụ mời thầu, trong đó Công ty CP CFTD Sáng Tạo được lựa chọn là đơn vị tư vấn chấm thầu.
Dự án có sử dụng đất với quy mô: Tổng diện tích 19.435m2, tổng kinh phí thực hiện gần 35 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 24 tháng; địa điểm tại vị trí làng nghề mộc Đức Minh, thuộc phường Thanh Bình, TP. Hải Dương.
Ngày 26/6/2019 là thời hạn đóng thầu. Tại thời điểm đóng thầu có 6 nhà thầu tham gia dự thầu, gồm: Liên danh Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô; Công ty CP Đông Dương; Công ty CP Hoàng Nguyên; Liên danh Công ty CP Tập đoàn bất động sản Hải Hưng và Công ty Cp Thanh Bình Hà Nội; Liên danh Công ty CP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội Haweico và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương; Liên danh Công ty CP Thành Đạt và Công ty TNHH Toàn Gia.
Căn cứ theo các quy định của pháp luật, việc chấm thầu phải đảm bảo thực hiện công bằng, khách quan nhằm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực cả về kinh nghiệm và tài chính. Và trong quá trình xét duyệt hồ sơ, một nhà thầu đã bị loại do thiếu bảo lãnh của ngân hàng (là Công ty CP Hoàng Nguyên). Việc loại bỏ Công ty CP Hoàng Nguyên ngay từ khâu xét duyệt hồ sơ đã thể hiện sự công bằng, khách quan của Hội đồng xét thầu.
Tuy nhiên đến nay đã hơn 100 ngày mà vẫn chưa có kết quả mở thầu, trong khi đó các nhà thầu cũng chưa nhận được một hồi âm gì từ phía Hội đồng xét thầu. Điều này làm cho các nhà thầu hoang mang cũng như không khỏi khiến dư luận rất quan tâm và đặt nhiều nghi vấn.
Theo điểm G, khoản 1, Điều 12 Luật Đấu thầu năm 2013 về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư: “Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 20 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 30 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 40 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án”.
Những nghi vấn đằng sau sự im lặng kéo dài của Hội đồng chấm thầu càng làm dư luận phải quan tâm nhiều hơn, bởi những thông tin gần đây về Công ty TNHH Toàn Gia (là một trong 5 nhà thầu còn lại của Dự án). Tại Quyết định số 3488/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt kết quả Công ty TNHH Toàn Gia trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng “Trung tâm thương mại - Dịch vụ - Giải trí phức hợp”, tại số 2 phố Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị, TP. Hải Dương.
Ngay sau khi trúng đấu giá tại Dự án này, Công ty TNHH Toàn Gia đã gửi công văn đến UBND tỉnh Hải Dương đề nghị điều chỉnh Dự án theo hai nội dung: “Trung tâm thương mại - Dịch vụ - Giải trí – Chung cư Toàn Gia” và điều chỉnh tầng cao từ 14 tầng lên đến 30 tầng.
Do không chấp nhận đề nghị trên của Công ty TNHH Toàn Gia, tại Công văn số 545/STNMT-QLĐĐ ngày 05/4/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương có nội dung: “Sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất thuê, Công ty TNHH Toàn Gia chưa nộp hồ sơ về Sở TN và MT để hoàn thiện các thủ tục về đất đai, chưa triển khai thực hiện dự án, chưa triển khai các thủ tục về đầu tư, ký quỹ đảm bảo đầu tư.., nay đề nghị thay đổi toàn bộ mục đích sử dụng đất, mục tiêu dự án, quy mô đầu tư, tầng cao xây dựng là chưa phù hợp với quy chế đấu giá ban đầu…”.
Và sau này, cơ quan chức năng đã hủy bỏ kết quả trúng thầu tại dự án nói trên của Công ty TNHH Toàn Gia, bởi Công ty này không thực hiện theo luật định. Còn gần đây, báo chí cũng phản ánh về việc Công ty TNHH Toàn Gia thi công dự án khi chưa hoàn thành giải GPMB với nội dung tại Dự án đầu tư xây dựng “Khu dân cư mới” ven Quốc lộ 38 thuộc xã Tráng Liệt và thị trấn Kẻ Sặt (do Công ty TNHH Toàn Gia làm Chủ đầu tư) với tổng kinh phí là 89 tỷ đồng, tuy đang trong giai đoạn kiểm đếm, chưa thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhưng Chủ đầu tư vẫn tiến hành san lấp hàng chục hec-ta ruộng. Việc này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương bởi những phản ứng của nhiều người dân bị mất ruộng, đất, gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận.
Chiểu theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 15/7/2017 của UBND tỉnh Hải Dương về việc Quy định quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư phát triển trên đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương; theo đó tại Điều 6 qui định các trường hợp không được xem xét lựa chọn làm Chủ đầu tư: “1. Nhà đầu tư đã được giao làm Chủ đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh nhưng đã có dự án bị thu hồi mà lỗi hoàn toàn do nguyên nhân chủ quan; 2. Nhà đầu tư đã dược giao làm Chủ đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh nhưng triển khai chậm từ một năm trở lên so với tiến độ của dự án được duyệt mà không được gia hạn hoặc không làm thủ tục gia hạn; 3. Nhà đầu tư cố ý không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; 4. Nhà đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xây dựng trái phép, xây dựng không tuân thủ theo quy hoạch được duyệt”.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Nghĩa - Phó Phòng Quản lý đô thị UBND TP. Hải Dương cho biết: “Do dự án có nhiều nhà thầu tham gia nên việc chấm thầu được đơn vị xác định phải rất thận trọng”. Ông khẳng định: “Việc lựa chọn nhà đầu tư được đảm bảo dựa trên các tiêu chí công bằng, minh bạch và công khai, rõ ràng, không dấu diếm bất kỳ một điều gì”.
Đã có quá nhiều bài học về những tổn thất bởi lựa chọn các nhà thầu không đủ năng lực, uy tín khi tham gia các gói thầu đầu tư, xây dựng tại các địa phương. Và sự im lặng kéo dài công bố kết quả mở thầu gói thầu đầu tư xây dựng “Khu dân cư, dịch vụ, thương mại” của UBND TP. Hải Dương, liệu có phải là sự quá thận trọng để lựa chọn được nhà thầu xứng đáng nhất, có đủ uy tín và năng lực hay không?
Các thông tin tiếp theo sẽ được cập nhật trong kỳ tới.