Không mang Giấy phép lái xe có bị Cảnh sát giao thông tạm giữ xe không?
Tôi năm nay 21 tuổi. Mấy ngày trước, tôi có bị Cảnh sát giao thông (CSGT) tạm giữ xe vì không xuất trình được Giấy phép lái xe. Vì vậy, tôi muốn hỏi hông mang Giấy phép lái xe có bị CSGTtạm giữ xe không?
Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã liệt kê cụ thể các loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện giao thông bắt buộc mang theo, gồm: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Từ quy định trên, có thể thấy, khi tham gia giao thông, người lái xe bắt buộc phải mang theo Giấy phép lái xe. Đây được coi là một trong những vật bất ly thân của người lái xe khi đi đường.
Nếu không mang Giấy phép lái xe, người điều khiển phương tiện sẽ bị CSGT xử phạt hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với các mức sau:
Mức phạt lỗi không mang Giấy phép lái xe | Căn cứ | |
Xe ô tô | 200.000 – 400.000 đồng | điểm a khoản 3 Điều 21 |
Xe máy | 100.000 – 200.000 đồng | điểm c khoản 2 Điều 21 |
Lưu ý mức phạt trên không áp dụng với trường hợp người lái xe có Giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.
Thêm vào đó, cần phân biệt giữa hành vi không mang và không có Giấy phép lái xe. Lỗi không có Giấy phép lái xe bị phạt nặng hơn rất nhiều so với lỗi không mang, cụ thể:
– Người điều khiển xe máy không có Giấy phép lái xe sẽ bị phạt 800.000 đồng – 1.200.000 đồng theo khoản 5 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Người điều khiển ô tô không có Giấy phép lái xe bị phạt từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng theo khoản 8 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
Căn cứ khoản 3 Điều 82 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại thời điểm kiểm tra, nếu người điều khiển phương tiện không xuất trình được Giấy phép lái xe thì CSGT sẽ lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có Giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện theo quy định.
Cũng theo Điều này, trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm, nếu người vi phạm xuất trình được Giấy phép lái xe thì CSGT ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo Giấy phép lái xe.
Ngược lại, nếu quá thời hạn hẹn giải quyết, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được Giấy phép thì phải chấp hành quyết định xử phạt hành vi không có Giấy phép lái xe.
Như vậy, với lỗi không mang Giấy phép lái xe, CSGT hoàn toàn có quyền tạm giữ phương tiện. Thời hạn tạm giữ phương tiện theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh thì được kéo dài thời hạn tạm giữ nhưng không quá 30 ngày.
Do đó, không mang theo Giấy phép lái xe khi CSGT kiểm tra sẽ bị tạm giữ xe trong 07 ngày và có thể kéo dài đến 30 ngày với vụ việc có tính chất phức tạp.
Thủ tục trả lại phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Theo đó, việc trả lại phương tiện bị tạm giữ chỉ được thực hiện khi có quyết định bằng văn bản của CSGT.
Sau khi có quyết định trả lại phương tiện, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản phương tiện sẽ trả lại phương tiện theo trình tự như sau:
Bước 1: Kiểm tra quyết định trả lại phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến nhận.
Bước 2: Yêu cầu người đến nhận lại phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.
Bước 3: Lập biên bản bàn giao phương tiện bị tạm giữ.
Như vậy, khi đến nhận lại xe bị tạm giữ, người vi phạm cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Quyết định trả lại phương tiện;
– Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân;
Đáng chú ý, bên cạnh việc xuất trình các giấy tờ trên để nhận lại xe bị tạm giữ, người vi phạm còn phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.