Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 27/01/2025 07:00 (GMT+7)

Kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm giả dịp Tết bị xử lý thế nào?

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các loại bánh kẹo, thực phẩm tăng cao. Đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng đưa hàng giả vào thị trường. Vậy, hành vi bán bánh kẹo, thực phẩm giả dịp Tết bị xử lý ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an cho biết, theo quy định của pháp luật, căn cứ tính chất, mức độ cụ thể của từng trường hợp, hành vi bán bánh kẹo, thực phẩm giả có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ, hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa được xem là một trong các loại hàng giả.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về mức phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 01 đến 50 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 03 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Mức phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trông thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Ngoài phạt hành chính, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng.

Người vi phạm còn phải buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả. Đồng thời, người vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về xử lý hình sự, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm.

Phạt tù từ 05 - 10 năm đối với các trường hợp: Phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Buôn bán qua biên giới; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150 - dưới 500 triệu đồng; Thu lợi bất chính từ 100 - dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - 500 triệu đồng,...

Phạt tù từ 10 - 15 năm đối với các trường hợp: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 500 triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng;...

Phạt tù từ 15 - 20 năm đối với các trường hợp: Thu lợi bất chính từ 1,5 tỉ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên;...

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 - 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Công an Hà Nội cảnh báo lừa đảo đặt phòng nghỉ dưỡng dịp Tết
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng. Nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín. Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ.
Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Ngày 26/1, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ngày 27/1 (tức ngày 28 Tết) cơ bản ổn định, giá hàng hóa tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như: gà ta, thủy hải sản, rau củ xanh dự báo có thể tăng nhẹ do nhu cầu mua để dự trữ trong những ngày Tết cùng với sự ảnh hưởng không khí lạnh tại khu vực Miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Chuẩn bị chu đáo công tác khám chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán
Bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài 9 ngày, để bảo đảm công tác cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh viện đầu ngành đã thực hiện công tác chuẩn bị từ rất sớm, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho đến đội ngũ nhân lực.