Kỳ 2: Thái Nguyên: Vạch trần chiêu trò "phù phép" sinh viên thành... “giáo viên”
Theo chân một “thầy giáo” Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Hoa Anh Đào đến cơ sở giáo dục tiểu học để giảng dạy, PV đã có dịp tận mắt chứng kiến phương pháp dạy học cũng như chiêu trò để “qua mặt” phụ huynh và giáo viên nhà trường.
Như đã đề cập, nhiều ứng viên đến tham gia khoá đào tạo, tập huấn tại Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Hoa Anh Đào (số nhà 45, tổ 7, phường Quang Trung, Tp. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) hiện là sinh viên hoặc người vừa tốt nghiệp cử nhân. Điểm chung của những người này là không có bằng cấp hoặc chứng chỉ Sư phạm, hay chưa kinh qua giảng dạy trong môi trường Sư phạm...
Để trở thành “giáo viên”, những ứng viên phải tham gia khoá đào tạo, tập huấn kéo dài trong 02 tuần (2-4 buổi tập huấn), thậm chí có trường hợp sau 01 buổi tập huấn là có thể trở thành “giáo viên”. Ứng viên tham gia buổi tập huấn sẽ được Trung tâm đào tạo các kỹ năng, phương pháp đứng giảng, trò chơi hoạt náo… Với ứng viên có trình độ hạn hẹp nhưng vẫn muốn trở thành “giáo viên”, lúc này, yếu tố then chốt chính là… sự tự tin của ứng viên, tức chỉ cần ứng viên tự tin vào bản thân là có thể đứng giảng và trở thành “giáo viên”.
Trong quá trình tập huấn tại Trung tâm, PV đã tiếp cận được người tên M.T.L. sinh năm 2000, tự giới thiệu hiện là sinh viên một trường Đại học trên địa bàn tỉnh. L. cũng cho biết thêm, bản thân chỉ mất 01 buổi tập huấn tại Trung tâm để “tốt nghiệp” và trở thành “giáo viên” được Trung tâm cấp thẻ đi “hành nghề”, xác nhận chức danh “giáo viên”, sau đó được cử đến trường mầm non Quang Trung (thành phố Thái Nguyên) tham gia giảng dạy.
Lúc này, công việc của những “giáo viên” là chờ đợi thông báo trong nhóm Zalo “xướng tên, chỉ điểm” cơ sở giáo dục và cung cấp bộ giáo trình rồi đến điểm đã định để giảng dạy.
“Mục sở thị” tấm thẻ, trên thẻ thể hiện tên đơn vị phát hành thẻ, họ và tên cá nhân, chức vụ “giáo viên” và được đóng dấu đỏ xác nhận. Qua tìm hiểu, hiện chưa có quy định về kiểu dáng, hình thức… đối với thẻ hành nghề giáo viên. Bản chất thẻ do trung tâm tự phát hành trên thực chất là thẻ nhân viên, nhằm nhận diện, xác định nhân sự của Trung tâm. Thẻ trên không thay thế cho bằng cấp, chứng chỉ Sư phạm…
Ngoài ra, quá trình tập huấn, đào tạo tại trung tâm, PV còn phát hiện và đã tiếp cận nhiều trường hợp khác, có thể kể đến như Trần H., sinh năm 1997, ngành du lịch; Q. sinh năm 1997, khoa công nghệ sinh học, hiện đang theo học thạc sĩ…
Theo chân “thầy giáo” đứng lớp
Trong thời gian tập huấn, PV được phân công với vai trò trợ giảng, theo chân “thầy giáo” T.H. - hiện là sinh viên ngành du lịch cùng đến cơ sở giáo dục tiểu học Cải Đan trên địa bàn thành phố Sông Công (Thái Nguyên) để giảng dạy. Nhờ vậy, PV đã có dịp tận mắt chứng kiến phương pháp dạy học cũng như “mánh khóe” để “qua mặt” phụ huynh và giáo viên nhà trường.
Trước khi cả hai đặt chân tới trường tiểu học Cải Đan, tại buổi tập huấn, biểu cảm lo lắng, PV bày tỏ thắc mắc nếu phía nhà trường hoặc phụ huynh hỏi thông tin cá nhân cần trả lời ra sao? Lúc này, một thành viên trong buổi tập huấn đưa mắt liếc nhìn PV rồi hỏi.
- “Em sinh năm bao nhiêu?”.
- “Em sinh năm 1999”, PV đáp lại.
- “Ui, không được bảo sinh năm 1999, khi có phụ huynh hay giáo viên nhà trường em phải nói tăng lên mấy tuổi, để người ta tin tưởng, mình mà nói thật số tuổi họ thấy trẻ, họ không tin tưởng”.
“Vậy nhà trường kiểm tra chứng minh thư, hồ sơ thì phải làm sao?”, PV thắc mắc.
Lúc này, một thành viên cười nhạt rồi lắc đầu, đáp lại: “Yên tâm, mình đến đây đã được giới thiệu trước rồi, nếu nhà trường họ không biết, ai cho vào đứng lớp, đứng giảng dạy. Dặn em, để lỡ phụ huynh có hỏi thì em biết mà trả lời”.
Theo lịch giảng dạy, PV đã có mặt tại trường tiểu học Cải Đan cùng với T.H. – “thầy giáo” trung tâm Hoa Anh Đào và thanh niên tên Dũng trong vai trò trợ giảng. Trước khi bắt đầu tiết học, T.H. nghiêm trang đi lên bục giảng, bằng chất giọng trầm ấm, H. dõng dạc giới thiệu theo mô típ đã được tập huấn tại Trung tâm, tự nhận bản thân là “giáo viên” được Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng Hoa Anh Đào cử đến phụ trách bộ môn kỹ năng sống.
Bài giảng cho học sinh tiểu học Cải Đan có tên “Văn hoá ứng xử học đường” với sự trợ giúp của hai trợ giảng, thời gian cho mỗi tiết học kéo dài hơn 40 phút. Sau khi kết thúc tiết học, thầy giáo cùng hai trợ giảng lại tiếp tục hối hả chạy sang lớp học khác để kịp tiết học mới.
Tương tự, PV tiếp tục theo chân “cô giáo” M.T.L. (sinh năm 2000), hiện là sinh viên, với “thành tích” chỉ mất một buổi tập huấn để trở thành “giáo viên”. Vẫn ở vai trò trợ giảng, PV đã cùng với “cô giáo” L. đến giảng dạy môn kỹ năng sống tại cơ sở mầm non Quang Trung (thành phố Thái Nguyên) sau đó với diễn biến, tình tiết giống như những gì PV đã chứng kiến tại trường Tiểu học Cải Đan trước đó.
Sau nhiều buổi tập huấn tại Trung tâm và trợ giảng ở nhiều cơ sở giáo dục, PV nhận được cuộc gọi từ số 033.800.6xxx, đầu dây là một phụ nữ trung tuổi, tự xưng tên Chinh, người của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Hoa Anh Đào, người này chủ động nhiều lần đề nghị PV đảm nhận vai trò “giáo viên” và lịch giảng dạy tại cơ sở giáo dục mà người này đề cập. Tuy nhiên, sát nút ngày dạy, PV vẫn chưa nhận được giáo án giảng dạy nên buổi… dạy thử của PV đã được chuyển sang người khác tên Tr. (sinh năm 1997).
Xuất phát điểm sinh viên, người chưa có bằng cấp, chứng chỉ Sư phạm, chưa kinh qua môi trường sư phạm nhưng chỉ với vài buổi tập huấn tại Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Hoa Anh Đào lại nghiễm nhiên được “sắc phong”, trở thành “giáo viên” đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Nhiều phụ huynh học sinh khi biết đã bức xúc cho hay, chưa đề cập đến quá trình đào tạo, tập huấn, riêng với việc sử dụng nhân sự không đủ điều kiện để giảng dạy tại các cơ sở giáo dục là lừa dối phụ huynh, lừa dối ngành giáo dục và quan trọng hơn, liệu chất lượng giáo dục do những “giáo viên” nói trên có đạt chuẩn, xứng đáng với đồng tiền phụ huynh bỏ ra?
“Giáo viên là nghề cao quý, muốn làm giáo viên, ngoài những điều kiện cần: bằng cấp, chứng chỉ… thì phải nỗ lực, sống bằng cái “tâm”, cái “tín” mới có thể trụ vững với nghề. Tôi được biết, ngành giáo dục đang xây dựng hình thành nét đặc trưng “trách nhiệm - trung thực”, việc sử dụng sinh viên, gắn mác “giáo viên” rồi đưa đến dạy cho con em chúng tôi là sự lừa dối, tiền tôi bỏ ra là thật, nhưng con em phải học giáo viên “giả”, đây là phần trách nhiệm của ngành giáo dục khi không quản lý chặt chẽ, nhất là theo tôi được biết, Trung tâm nói trên do chính Sở Giáo dục tỉnh cấp phép hoạt động”, một phụ huynh bày tỏ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…
Căn cứ nội dung trong giấy phép hoạt động do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Hoa Anh Đào và theo lãnh đạo Sở Giáo dục, Trung tâm được phép hoạt động tại số nhà 45, tổ 7, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, hoạt động giảng dạy lại diễn ra công khai tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.