'Lâm Đại Ngọc' Trần Hiểu Húc: Một kiếp hồng nhan, vạn kiếp buồn
Cho đến khi qua đời, những dư âm về cuộc sống và cả đường tình duyên của nữ diễn viên nổi tiếng trong "Hồng lâu mộng" vẫn khiến khán giả thổn thức.
Trần Hiểu Húc: Có chăng là Lâm Đại Ngọc bước ra từ tiểu thuyết
Năm 1987, Trung Quốc chấn động vì Hồng lâu mộng, chỉ sau Tây du ký bản 1986. Khán giả đã khóc, đã cười và đã lặng người trước số phận bi kịch của Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa hay Giả Bảo Ngọc khi ấy. Với nhiều người, đây là bản phim kinh điển. Và cũng vì thế, Lâm Đại Ngọc do Trần Hiểu Húc đóng được đánh giá là tượng đài khó có thể thay thế.
Tào Tuyết Cần miêu tả: “Lâm Đại Ngọc có đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu. Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió”.
Người ta nói, Hiểu Húc là Lâm Đại Ngọc trong đời thực. Vẻ đẹp “như có như không”, đa sầu đa cảm của Trần Hiểu Úc đã làm tất cả mọi người đánh giá rằng cô sinh ra là để đóng vai Lâm Đại Ngọc. Bản thân cô cũng thừa nhận, với em Lâm, cô như cảm thấy đang nói chuyện với chính mình.
Chỉ không ngờ, cuộc đời của Trần Hiểu Húc cũng lại giống như Lâm Đại Ngọc, một cành phù dung đẹp nhưng sớm tàn mà “nào có dám trách gì gió đông”.
Cuộc đời tài hoa để rồi bạc mệnh và cuộc hôn nhân đầy uẩn khúc
Năm 2006, Trần Hiểu Húc phát hiện mắc bệnh ung thư vú. Khi đó, cô không còn làm nghệ thuật nhưng được biết đến như một doanh nhân tài ba. Chẳng ai ngờ, bệnh tật khiến cô ngã quỵ.
Tháng 2/2007, Trần Hiểu Húc chính thức xuất gia xuống tóc với pháp hiệu Thích Diệu Chân tại chùa Hưng Long tự. Chỉ sau đó 3 tháng, nàng Lâm Đại Ngọc của Hồng Lâu Mộng đã từ giã cõi đời ở tuổi 41.
Trần Hiểu Húc không có con nhưng đã hai lần kết hôn. Lần hôn nhân đầu đổ vỡ khi cô còn trẻ. Sau đó vài năm, cô gặp và yêu người đàn ông trẻ Hác Đồng. Anh từng tiết lộ, khi gặp cô lần đầu, anh trúng tiếng sét ái tình, theo đuổi nhiều năm mới được Hiểu Húc đồng ý.
Cho đến khi Hiểu Húc xuất gia, cô đã đệ đơn ly hôn với Hác Đồng. Câu chuyện chưa dừng ở đó vì chỉ sau vài tháng vợ cũ xuống tóc, anh cũng quyết định xuất gia, lấy pháp danh Khai Thành, cùng với pháp danh Diệu Chân của Trần Hiểu Húc, hợp thành ý nghĩa “Diệu khai chân thành”.
Lúc đó, có nhiều người trầm trồ, có người kỳ thị, họ cho rằng phải chăng Hác Đồng cố tình biến nơi cửa Phật thành chốn sum họp gia đình. Bỏ ngoài tai mọi điều tiếng, Hác Đồng nhất tâm với Phật pháp, một lòng chỉ mong người xưa bình phục. Không ngờ cô qua đời nhanh hơn anh tưởng.
“Duyên nợ trần tục chúng tôi đã hết, nhưng cả đời này, tôi tụng kinh niệm Phật cầu phúc cho cô ấy, nơi an nghỉ cực lạc đừng buồn phiền, hãy thanh thản” - Hác nói.
Sinh thời, Trần Hiểu Húc tâm sự: “Cuộc đời tôi ngắn ngủi, chẳng biết mai sau thế nào, nhưng tôi càng thương Lâm Đại Ngọc, càng xót cho mình phận bạc. Nếu có thêm thời gian, tôi mong mình có thể làm được nhiều hơn thế. Tôi không trách cuộc đời bất công, càng không oán thán số phận, chỉ là sự xót xa để lại trong tâm”.