Lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử bị xử phạt thế nào?
Thời gian gần đây, một số người dân trong khu vực gia đình tôi sinh sống có hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sự để mở quán bán hàng. Vậy tôi muốn hỏi, việc lấn chiếm trên sẽ bị xử phạt thế nào? Bạn đọc T.Q. (Thái Nguyên) có hỏi.
Về vấn đề này, Điều 20 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ các mức xử phạt từ các hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đến các hành vi lấn chiếm đất đai, sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Cụ thể, về hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khoản 7 Điều 20 Nghị định quy định các mức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
(i) Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
(ii) Lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
(iii) Sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh...
Như vậy, hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.