Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 10/10/2019 02:22 (GMT+7)

Lãnh đạo TP.HCM cần giải quyết dứt điểm khiếu nại của tiểu thương chợ An Đông

Nếu những vụ việc như thế này mà các địa phương không giải quyết tốt, thì với chức năng của Ban Tiếp Công dân Trung ương, chúng tôi sẽ đề xuất Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, có thể tiến hành thanh tra trách nhiệm gắn với giải quyết các vụ việc trên.

Đó là ý kiến của Trưởng ban Tiếp Công dân Trung ương (TCDTW) Nguyễn Hồng Điệp sau khi tiếp và nhận đơn khiếu nại của tiểu thương ngày 2/10/2019.

Văn bản của Ban Tiếp công dân Trung ương gửi UBND TP.HCM.

Tiểu thương góp tiền xây chợ

Tại Thông cáo báo chí ngày 26/9/2019 của UBND Quận 5 “Chợ An Đông là chợ truyền thống lâu đời tại Quận 5 thuộc Nhà nước quản lý. Năm 1991, công trình chợ An Đông được xây mới từ sự hợp tác giữa Công ty Phát triển nhà Quận 5 và Công ty Việt Hoa, theo chủ trương của Quận 5, về cải tạo mở rộng, nâng cấp chợ An Đông. Trong đó, Công ty Việt Hoa chịu trách nhiệm đầu tư vốn 100% thi công xây dựng công trình và được sang nhượng toàn bộ quầy, sạp. Thời gian 20 năm kể từ ngày ký hợp đồng cho thuê với tổ chức hoặc cá nhân có yêu cầu sang nhượng thì Công ty Việt Hoa hết trách nhiệm và giao quyền quản lý lại cho Nhà nước.

Theo Hợp đồng số 014/HĐKT-PTN ngày 27/11/1990, Công ty Việt Hoa được quyền sang nhượng quầy sạp cho người kinh doanh, được chủ động quyết định trong chính sách thanh toán quầy sạp sang nhượng, như: quy định tiền đặt chỗ, trả góp, ưu đãi...Việc góp vốn của các cá nhân (nếu có) với Công ty Việt Hoa thuộc giao dịch riêng của Công ty Việt Hoa với các thành viên Công ty, không thuộc phạm vi hợp đồng kinh doanh tại chợ.

Theo luật sư Trần Hải Đức, tổng số vốn được Công ty tư doanh Việt Hoa đầu tư vào công trình chợ An Đông là 19,409 tỷ đồng, gồm các nguồn: Cổ đông Công ty Việt Hoa góp vốn, vay Công ty phát triển nhà Quận 5 và một số đơn vị, cá nhân và tiểu thương đóng góp...Như vậy, bằng nhiều hình thức huy động khác nhau, trong đó, số tiền của tiểu thương chiếm tỷ lệ lớn nhất, trên 4 tỷ đồng.

Thế nhưng, UBND Quận 5 lại cho rằng đó là tiền đặt chỗ, là không đúng bản chất vụ việc. Khi công trình chợ An Đông mới khởi công xây dựng, từ tháng 1/1991, tiểu thương đã góp tiền xây chợ cho Công ty Việt Hoa và số tiền góp vốn là 22 triệu đồng với sạp 2 mặt tiền, 16 triệu đồng với sạp 1 mặt tiền (trị giá gần 5 cây vàng, có thể mua 1 căn nhà mặt tiền ở Quận 5 thời điểm đó). Số tiền trên đóng theo tiến độ xây chợ, được chia làm 9- 10 đợt, tiểu thương đóng chậm còn bị phạt lãi suất 0,2%. Như vậy, tiểu thương đóng đủ tiển theo tiến độ xây chợ thì đương nhiên phải là chủ sở hữu quầy, sạp, chứ không thể coi là tiền giữ chỗ. Việc các tiểu thương đề nghị công nhận quyền sở hữu quầy, sạp là có căn cứ.

Thực tế hiện nay, khách hàng mua căn hộ chung cư cũng đóng tiền theo tiến độ xây dựng, khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì được nhận quyền sở hữu căn hộ. Đáng chú ý là, các hợp đồng Công ty Việt Hoa ký với tiểu thương đều thông qua UBND Quận 5 nhưng UBND Quận 5, lại cho rằng “đó là thuộc giao dịch riêng của Công ty Việt Hoa với các thành viên Công ty, không thuộc phạm vi hợp đồng kinh doanh”, là né tránh trách nhiệm, dẫn tới bức xúc, thắc mắc, khiếu nại (KN) gay gắt, kéo dài. Trách nhiệm này thuộc về ai cần làm rõ và xử lý theo quy định.

Theo đó, KN của tiểu thương chợ An Đông gồm các nội dung: Năm 1991, tiểu thương đã đóng góp hơn 4 tỷ đồng, đến năm 2013, tiểu thương lại đóng góp 237 tỷ đồng. Tiểu thương có công tham gia đóng góp xây dựng chợ trước ngày thành phố giải phóng. Sau giải phóng, tiểu thương đóng góp tiền cùng Công ty phát triển nhà Quận 5 và Công ty tư doanh Việt Hoa xây dựng chợ. Số tiền 237 tỷ đồng chưa bao giờ được trừ vào tiền thuê kinh doanh trong khi các chợ truyền thống khác tại TP.Hồ Chí Minh lại không phải đóng.

Ngay cả việc rất nhỏ như thu 200.000 đồng/quầy trong chợ, tiểu thương cho rằng họ đã đóng góp nhiều lần. Năm 2017, UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo tạm dừng nhưng năm 2019, Ban quản lý lại tiếp tục thu khi chưa có văn bản của thành phố đồng ý cho tiếp tục thu. Đáng chú ý là số tiền trên 237 tỷ đồng của tiểu thương đóng góp trước đây không biết đang ở đâu, do ai quản lý và sử dụng vào việc gì!?

Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Tại Hợp đồng cho sang nhượng quầy, sạp chợ An Đông mà Công ty Việt Hoa ký với tiểu thương, thời hạn 20 năm vào tháng 8/1991, Khoản 3 Điều II của hợp đồng có quy định: Người sang sạp được miễn đóng tiền hoa chi trong thời gian sang nhượng sạp. Tuy nhiên, tại Hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn, giữa Ban quản lý TTTMDV An Đông ký với tiểu thương ngày 11/3/2013, Ban quản lý lại thu tiền thuê quầy sạp (đợt 1) của 2.305 quầy sạp, số tiền trên 217 tỷ đồng nhưng UBND Quận 5 lại cho rằng đây là tiền ngân sách nên đã nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Tiểu thương tại Ban Tiếp Công dân Trung ương.

Các tiểu thương bức xúc cho biết, ngày 12/5/2017, bà Nguyễn Huỳnh Trang- Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khẳng định: Chợ truyền thống không thu tiền thuê quầy, sạp và số tiền 217 tỷ đồng được sử dụng đầu tư nâng cấp sửa chữa chợ. Tiểu thương cho rằng, số tiền 217 tỷ đồng không phải là tiền ngân sách mà do tiểu thương đóng góp nhưng Ban quản lý đã thu sai quy định pháp luật. Vì vậy, tiểu thương đề nghị công khai minh bạch việc sử dụng số tiền nêu trên là 237 tỷ đồng hay 219 tỷ đồng hay 217 tỷ đồng và đề nghị thanh tra toàn diện việc thu chi tài chính tại Ban quản lý TTTMDV An Đông từ năm 2011 đến nay.

Vì nhiều lần gửi đơn đến UBND Quận 5 không được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật, tiểu thương gửi đơn đến UBND thành phố, Ngày 19/9/2017, Ban Tiếp công dân TP.Hồ Chí Minh có Biên bản tiếp công dân, đã ghi nhận nội dung KN, kiến nghị của tiểu thương nhưng từ đó đến nay, vụ việc lại rơi vào im lặng, là vi phạm nghiêm trọng Luật KN.

Vì vậy, ngày 26, 27, 30/8/2019, tiểu thương tiếp tục có đơn KN tập thể gửi UBND Quận 5, HĐND Quận 5, xem xét giải quyết các nội dung KN nhưng UBND Quận 5 lại đá quả bóng trách nhiệm về Ban Quản lý để trao đổi, trả lời tiểu thương!?

Do đó, tiểu thương phải ra Hà Nội gõ cửa các cơ quan Trung ương để trình bày vụ việc. Ngày 2/10/2019, Trưởng Ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp, đã ký Văn bản số 3052/BTCDTW-TD1, gửi UBND TP.Hồ Chí Minh có nội dung: Theo công dân trình bày năm 1989 xây dựng TTTMDV An Đông, các tiểu thương đã góp vốn vào để xây dựng và đến năm 2021 mới hết hạn hợp đồng nhưng tháng 6/2019, Ban quản lý TTTMDV An Đông có Thông báo cho các hộ tiểu thương về việc thanh lý hợp đồng cũ để ký kết hợp đồng mới. Ban TCDTW  đề nghị:

- Cơ quan chức năng xem xét số tiền đóng góp của các tiểu thương trước đây để xác định quyền lợi của tiểu thương đối với các quầy, sạp kinh doanh tại Trung tâm TMDV An Đông.

- Cơ quan có thẩm quyền thanh tra việc quản lý, thu chi tài chính của Ban quản lý Trung tâm TMDV An Đông từ khi hoạt động liên quan đến số tiền 237 tỷ đồng tiểu thương đóng góp và số tiền thu phí chợ.

- Đề nghị xem xét tính pháp lý của các hợp đồng đã ký kết với các hộ tiểu thương từ năm 1991 đến nay.

- Đề nghị thành lập lại Ban quản lý Trung tâm có sự tham gia của đại diện các tiểu thương.

- Đề nghị Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm để giải quyết dứt điểm những nội dung KN, kiến nghị của công dân (có sự tham gia của Lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương).  

Theo Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp, TP.HCM cần xem xét, chỉ đạo các cơ quan rà soát lại, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với công dân. Không có cái gì tốt bằng công khai minh bạch với người dân- tiểu thương. Như vậy, tính bức xúc mới giảm đi, cần lắng nghe tiếng nói, ý kiến của họ, tuyên truyền ủng hộ chính sách của địa phương, tuyên truyền họ làm đúng theo quy định hiện hành và theo các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh khác nữa. Sau khi Ban TCDTW động viên, giải thích, thuyết phục, các tiểu thương đã hợp tác quay trở về địa phương và chờ đợi chính quyền TP.Hồ Chí Minh tiếp khiếu, xử lý. Chúng tôi tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

FDA Mỹ phát hiện thuốc điều trị hen suyễn Singulair có thể ảnh hưởng đến não bộ
Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện rằng thuốc hen suyễn phổ biến Singulair, do Merck sản xuất trước đây, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở một số bệnh nhân. Thuốc này, với thành phần chính là montelukast, gắn vào nhiều thụ thể trong não có vai trò quan trọng đối với các chức năng tâm thần.