Lỗi phạt nguội: Cần áp dụng hợp tình hợp lý
Mới đây, cánh tài xế không khỏi khốn khó vì tình trạng quá tải ở các trạm đăng kiểm, kiểm định,… nay nhiều người thêm “khổ sở” vì bị “dính” lỗi phạt nguội mà không ít người cho rằng tình huống xử phạt như kiểu “từ đâu đưa đến”???. Vì lẽ đó, cơ quan chức năng cần áp dụng hợp tình hợp lý.
Như thông tin báo chí đã phản ảnh về việc quá tải ở trạm đăng kiểm, kiểm định,… thậm chí có nơi cánh tài xế phải ngủ trên xe, nghỉ qua đêm để được đăng ký thời gian kiểm định đúng hẹn, yên tâm lưu thông trên đường,… Bên cạnh nỗi lo về việc đăng ký thời gian đăng kiểm, cánh tài xế hiện nay còn thêm phần lo lắng về “dính” lỗi phạt nguội. Lỗi này chỉ được các Trung tâm đăng kiểm công bố khi tài xế mang xe đến làm thủ tục kiểm định, nhiều tài xế cho biết đã trước khi mang xe đi kiểm định đã kiểm tra trên App “Tra cứu phạt nguội” không thấy bị lỗi nào hết.
Nhiều trường hợp bị “dính” lỗi phạt nguội do Trung tâm đăng kiểm thông báo mà ngay cả chủ xe, người điều khiển xe hoàn toàn không hay biết gì. Họ cũng không nhận được thông báo nào từ cơ quan chức năng về hành vi vi phạm luật giao thông. Cụ thể như thông báo xe biển số 51B-… chữ đen nền trắng “dính” lỗi dừng xe ở “Nơi cấm đỗ” không có tín hiệu giao thông. Trong khi chủ xe cho biết phương tiện mà anh đang sử dụng là xe kinh doanh (chữ đen nền vàng), và khi đã cho xe vào lề thì người lái xe luôn bật đèn xi-nhan, dừng xe ngay ngắn cho khách xuống rồi mới di chuyển tiếp.
Một trường hợp oái ăm hơn là chủ xe biển số 63A-… khi mang xe đến Trung tâm đăng kiểm thì được thông báo là đã “dính” lỗi phạt nguội, đỗ xe ở “Nơi cấm đỗ” vào ngày 11/02/2022, mà chiếc xe “dính” lỗi phạt nguội là chủ xe cũ, biển số 51F-… đứng tên một công ty cổ phần đầu tư ở TP.HCM.
Dù chủ xe lặn lội từ Tiền Giang đến TP.HCM nhiều lần để làm thủ tục đóng phạt thì người tiếp nhận hồ sơ lại yêu cầu phải có bản chính: Hóa đơn mua bán hàng hóa, Hợp đồng chuyển nhượng, Giấy phép lái xe của người đi đóng phạt, Giấy tờ xe, Căn cước công dân của chủ mới,…
Chủ xe bất ngờ phải thốt lên: “Xe đã được chuyển nhượng, sang tên đổi chũ, vì sao lúc sang tên cảnh sát giao thông làm thủ tục cho rút hồ sơ chuyển về Tiền Giang mà không xem lại lỗi vi phạm giao thông của chủ cũ, yêu cầu họ đóng phạt rồi mới cho chuyển hồ sơ đi?...”.
Về nội dung trên, luật sư Trần Công Ly Tao (nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Ở đây có 2 nội dung mà nơi yêu cầu người dân đóng phạt rất khó thuyết phục được. Đó là yêu cầu chủ xe mới (người không có hành vi vi phạm luật giao thông) đóng phạt là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, khó thuyết phục. Và lại càng khó thuyết phục hơn khi áp dụng hành vi vi phạm giao thông đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là chỉ có 1 năm, tính từ ngày 11/02/2022 đến nay là đã hơn 1 năm…”.
Cũng theo luật sư Trần Công Ly Tao, khi gặp phải trường hợp nêu trên, người dân có thể gửi đơn khiếu nại đến thủ trưởng đơn vị đó, nếu nơi đó không giải quyết khiếu nại đúng hạn theo quy định hoặc nội dung trả lời khiếu nại không thỏa đáng thì người dân có thể khởi kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính đó đến Tòa án theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Đối với việc phạt nguội, theo Thông tư 15/2022/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 21/5/2022, cập nhật nhiều điểm mới về phạt nguội như sau:
Khoản 2 Điều 4 Thông tư 15/2022/TT-BCA (bổ sung Điều 19a Thông tư 65/2020/TT-BCA) quy định, trong trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông, người có thẩm quyền xử phạt thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành xử lý phạt nguội trong thời hạn 10 ngày làm việc (theo quy định hiện nay tại Thông tư 65/2020/TT-BCA, thời hạn xử lý phạt nguội là trong 5 ngày làm việc)…
Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an cấp xã, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định.
Quá thời hạn 20 ngày (kể cả ngày nghỉ) kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, người vi phạm không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an cấp xã, Công an cấp huyện nơi người vi phạm cư trú, đóng trụ sở thì người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện: Cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết theo quy định; Gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông vi phạm là xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng); đồng thời, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính…