Mẹ bầu bỗng dưng chảy máu mũi, sau khi xét nghiệm bác sĩ đẩy phòng vào mổ gấp
Thai phụ không thể tin vào những gì mà bác sĩ vừa nói với mình.
"Chị đang bị bệnh nặng và chúng tôi phải đưa em bé ra ngoài càng sớm càng tốt", một vị bác sĩ cho biết.
Đây không phải là điều cô Krissy Lepage muốn nghe khi đến bệnh viện kiểm tra ở tuần thai thứ 37. Vài giờ trước đó, cô đang ăn kem cùng chồng và phân loại những món quà tặng dành cho con yêu của họ thì một sự cố bất ngờ xảy ra. Bà bầu này bị chảy máu cam dữ dội. Krissy cho biết trước đó, cô bị huyết áp hơi cao trong suốt thai kỳ và luôn phải theo dõi chặt chẽ nó. Vào ngày xảy ra chuyện, huyết áp của cô liên tục tăng cao.
Sau đó, cô lấy nhiệt kế đo cơ thể mình thì nhận ra mình đang sốt. Chảy máu mũi, huyết áp tăng và phát sốt như vậy khiến vợ chồng cô khá lo lắng. Họ nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để kiểm tra. Sau khi thực hiện một loạt các xét nghiệm, bác sĩ sản khoa đã gọi thai phụ vào nói chuyện.
Theo nữ bác sĩ, Krissy đã mắc hội chứng HELLP và họ cần phải đưa thai nhi ra ngoài ngay lập tức vì cả mẹ và em bé trong bụng đều đang gặp nguy hiểm. Hội chứng HELLP là biến thể hiếm nhất và nguy hiểm nhất của tiền sản giật. Nó còn được gọi với tên hội chứng Tan máu, Tăng men gan và Giảm tiểu cầu. Hội chứng này có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé.
Các triệu chứng thường đi kèm theo đó là huyết áp cao, nhức đầu dai dẳng, chân bị sưng tấy, chảy máu cam hoặc đau bất thường. Người mẹ cho biết ban đầu cô khá chủ quan khi nghĩ rằng việc chân bị sưng phù là do nóng và thay đổi nội tiết tố khi mang thai.
Do đây là lần đầu tiên mang thai nên Krissy không có kinh nghiệm lắm trong việc này. Ban đầu, các bác sĩ cũng không nhận thấy điều gì nguy hiểm ở người mẹ, chỉ khuyên cô nên hạn chế làm việc, nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Nhưng giờ đây, sau khi xét nghiệm máu, kết quả cho thấy cô đang có dấu hiệu bị suy gan và thận. Chảy máu cam là một dấu hiệu cho thấy huyết áp đang thực sự cao. Nhau thai của cô có nguy cơ bị bong ra bất cứ lúc nào. Tiểu cầu của người mẹ thấp đến nỗi bác sĩ không thể gây tê màng cứng.
Vì tính chất phức tạp mà người mẹ được chuyển đến bệnh viện cao cấp hơn với đội ngũ y bác sĩ và trang thiết bị chuyên môn hơn. Cuối cùng, người mẹ và các y bác sĩ đã thở phào nhẹ nhõm khi em bé chào đời an toàn. Sau khi sinh, Krissy Lepage bắt đầu cảm thấy khỏe hơn. Cô vẫn tiếp tục nằm viện để truyền tiểu cầu và dùng thuốc huyết áp trong vài tuần sau khi sinh. Đây là biện pháp phòng ngừa đảm bảo sức khỏe cho thai phụ.
Trong khi đó, sau 3 tuần chào đời, em bé vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Đứa trẻ không cần bất kỳ sự chăm sóc đặc biệt nào bất chấp hành trình chào đời đầy sóng gió. Người mẹ chia sẻ câu chuyện vượt cạn của mình nhằm muốn nhắc nhở các bà mẹ không nên xem thường những biểu hiện bất thường của cơ thể dù chỉ là nhỏ nhất.
Dù con đã chào đời an toàn và khỏe mạnh, cô Krissy vẫn cảm thấy có lỗi với con trai khi chỉ suýt chút nữa thôi, vì sự chủ quan của cô, có thể khiến cả hai mẹ con đều tử vong. Trên thực tế, không ai biết chắc chắn nguyên nhân gây ra HELLP, nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng nó có liên quan đến nhau thai.
Tỷ lệ phụ nữ mang thai gặp phải hội chứng này vào khoảng 5-8%, thường xuất hiện ở tuần thai thứ 20 trở đi. Hội chứng này nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như vỡ gan, suy thận, băng huyết trong khi sinh; nhau bong non, đột quỵ…
Do đó các mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi và để ý sự thay đổi của cơ thể để kịp thời báo cho bác sĩ sản khoa, tránh để lại hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Hội chứng HELLP là gì?
HELLP là tên viết tắt của các từ Hemolytic anemia (thiếu máu tán huyết), Elevated Liver enzymes (tăng men gan) và Low Platelet count (giảm tiểu cầu).
Hội chứng HELLP là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ, thường xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ, đôi khi xảy ra sau sinh. Đây là một biến thể của tình trạng tiền sản giật ở bà bầu, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Có khoảng từ 2% - 12% bệnh nhân bị tiền sản giật mắc hội chứng HELLP. Trong đó, 50% trường hợp xảy ra trong khoảng 27 và 36 tuần vô kinh, nhưng vẫn có những ca rất sớm đã được mô tả trong khoảng 17-20 tuần vô kinh và một số khác lại chỉ xảy ra trong thời kỳ hậu sản (chiếm 30% số trường hợp).