Mở cửa phục vụ miễn phí 3 ngày Tết ở Quần thể di tích cố đô Huế
Dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân đặc sắc tại các di tích để phục vụ người dân và du khách
Đại Nội Huế là điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian khác tại Quảng trường Ngọ Môn để thu hút người dân trong vùng và du khách đến tham quan. Chủ trương miễn vé tham quan di tích của tỉnh Thừa Thiên Huế trong các ngày Tết Âm lịch đã nhận được sự đồng thuận và phấn khởi từ phía người dân và được tiếp tục duy trì hàng năm.
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân đặc sắc tại các di tích để phục vụ người dân và du khách.
Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: "Các hoạt động trong Hoàng cung Huế vào ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết phục vụ du khách dù là miễn phí, nhưng chất lượng hoạt động của chúng tôi phải tăng lên nhằm tạo cho du khách đến trải nghiệm, có thể vui chơi, thấy được hình ảnh của Tết xưa".
Quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 11/12/1993. Ngày 7/11/2003, Âm nhạc cung đình Huế là Nhã nhạc (triều Nguyễn) cũng được UNESCO ghi tên vào danh mục Các Kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại.
Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, Huế trở thành một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng của cả nước. Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trước khi đại dịch xuất hiện, trung bình mỗi năm, có hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan tại các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.