Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 24/09/2019 03:22 (GMT+7)

Nam Định: Hàng loạt nhà xe kêu cứu vì việc cấp phép hoạt động không hợp lý?

Nhiều nhà xe hoạt động vận chuyển hành khách từ nhiều năm nay bỗng nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi xuất hiện 1 nhà xe mới được cấp phép chèn giờ, chạy sai luồng tuyến?!

Xe khách lạ chạy sai luồng tuyến gây ảnh hưởng hàng loạt nhà xe?

Mới đây, báo Kinh doanh và Pháp luật nhận được phản ánh của nhiều nhà xe đang hoạt động kinh doanh vận chuyển khách tuyến Giao Hương (Giao Thủy, Nam Định) đi Hà Nội về việc hoạt động kinh doanh của những nhà xe này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xuất hiện một xe khách mới chạy chèn giờ, cố tình sai luồng tuyến.

Cụ thể, trên địa bàn xã Giao Hương (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) thời điểm hiện tại có 13 nhà xe hoạt động kinh doanh vận chuyển khách ổn định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời điểm tháng 6 vừa qua, trên địa bàn xuất hiện một xe khách mang biển kiểm soát 18B-000.98 được dán tên nhà xe Nam Hồng 2 ngang nhiên hoạt động đón khách chèn vào giờ các xe khác.

Hình ảnh xe khách Nam Hồng 2 chạy trên đường Pháp Vân trái với luồng tuyến được cấp.

Phát hiện việc này, một số nhà xe đã phản ánh đến chính quyền xã Giao Hương yêu cầu xử lý nghiêm xe khách hoạt động trái quy định trên. Ngày 5/7/2019, UBND xã Giao Hương có báo cáo gửi UBND huyện Giao Thủy, Phòng Công thương huyện Giao Thủy do ông Trần Xuân Rinh - Chủ tịch UBND xã ký về việc chấn chỉnh xe khách không tuân thủ các quy định về vận tải hành khách bằng xe ô tô và không chấp hành các quy định của địa phương.

Báo cái của UBND xã Giao Hương về việc xe khách Nam Hồng 2 chạy trái quy định.

Tại báo cáo này ghi rõ: “Thời gian gần đây có 1 xe mang biển số: 18B-000.98 đã chạy sai luồng tuyến (chạy vào xã Giao Hương) - Xuất phát từ Giao Hương đi khi chưa có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng và chưa được sự đồng ý của UBND xã Giao Hương gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh vận tải hành khách của các phương tiện khác, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn xã Giao Hương.

Việc xe khách này không tuân thủ các quy định về vận tải hành khách bằng xe ô tô và không chấp hành các quy định của địa phương, gây mất ổn định trong việc quản lý các xe khách nối dài về địa phương và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông đường bộ”.

Bên cạnh đó, thông báo này cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn xã đã có 13 xe ô tô chở khách đã đăng ký nối dài. Trên thực tế, số lượng xe về địa phương phục vụ nhân dân đi lại đã đủ. Sau khi có báo cáo của UBND xã Giao Hương, chiếc xe khách trên đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên không hiểu lý do gì, chưa đầy một tháng sau, chiếc xe trên lại ngang nhiên hoạt động bình thường, lúc này khi phản ánh đến chính quyền địa phương, nhiều nhà xe mới nhận được câu trả lời từ xã là nhà xe trên đã được phép hoạt động.

Cho rằng việc chấp thuận cho nhà xe từng vi phạm hoạt động như trên là trái quy định, không phù hợp với tình hình kinh doanh vận chuyển khách tại địa phương, đứng trước những khó khăn trong công việc, nhiều nhà xe tiếp tục phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Không những thế, theo nhiều nhà xe cho biết, mặc dù xe khách Nam Hồng 2 được cấp phép chạy tuyến Giao Thủy - Bắc Ninh và lộ trình di chuyển phải đi theo đường qua tỉnh Hưng Yên, nhưng thực tế, xe khách Nam Hồng 2 lại ngang nhiên chạy thẳng lên đường Pháp Vân rồi mới rẽ hướng cầu Thanh Trì đi Bắc Ninh.

“Việc cố tình chạy sai luồng tuyến, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của những nhà xe còn lại. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng, nghiên cứu xem xét lại việc cấp phép hoạt động cho nhà xe này đã hợp lý hay chưa?” – một chủ nhà xe trên địa bàn cho biết.

Giấy chấp thuận đơn đề nghị nối dài tuyến đối với xe khách Nam Hồng 2 của xã Giao Hương có phù hợp không?

Chính quyền buông lỏng trách nhiệm quản lý?

Trước những thông tin phản ánh trên, PV báo Kinh doanh và Pháp luật đã có buổi trao đổi với ông Trần Xuân Rinh - Chủ tịch UBND xã Giao Hương. Tại đây, ông Rinh xác nhận có nhận được phản ánh về việc xe khách Nam Hồng 2 gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà xe khác. Theo đó, ông Rinh cho biết tháng 6/2019, xã Giao Hương phát hiện xe khách Nam Hồng 2 chạy tuyến Giao Thuỷ - Bắc Ninh khi chưa được sự thống nhất, đồng ý của địa phương. Sau đó, khoảng ngày 26/8 nhà xe này có xin phép nối dài tuyến xe, xin chạy rời bến Giao Hương vào lúc 3h40p sáng và được xã chấp thuận. Như vậy nhà xe này sẽ chạy sau 1 nhà xe xuất bến lúc 3h30 và trước xe chạy 4h20.

“Chúng tôi nhận thấy nhà xe chạy như thế sẽ không chèn giờ chạy của các xe khác, bên cạnh đó nhu cầu đi lại của bà con nhân dân là cần thiết nên chúng tôi chấp thuận” - ông Rinh cho biết. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xã chấp thuận cho xe khách này chạy nối dài tuyến đã xin ý kiến của các cơ quan liên quan hay chưa? Ông Rinh cho biết có xin ý kiến Phòng Công thương huyện Giao Thuỷ “bằng miệng”.

Bên cạnh đó, khi PV thắc mắc vì sao trước đó chính ông Rinh là người làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng về việc trên địa bàn đã đủ số lượng xe phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhưng không hiểu lý do gì chỉ ít ngày sau chính ông Rinh lại là người ký chấp thuận đơn đề nghị điểm đón, trả khách vận tải hành khách cho xe khách Nam Hồng 2 thì được ông Rinh cho biết rằng: Do trước đó, nhà xe Nam Hồng 2 chạy trái phép khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận nên ông không đồng ý, còn bây giờ nhà xe này đã xin được nối dài tuyến thì ông cũng tạo điều kiện chấp thuận.

Như vậy, liệu UBND xã Giao Hương có đang buông lỏng trách nhiệm quản lý khi để xe khách Nam Hồng 2 hoạt động trái quy định một thời gian, sau đó lại tạo điều kiện chấp thuận cho xe khách này hoạt động trái ngược với báo cáo cho rằng trên địa bàn xã đã đủ lượng xe vận chuyển khách?

Tiếp đó, để làm rõ việc chấp thuận cho xe khách Nam Hồng 2 hoạt động đã hợp lý hay chưa, PV báo Kinh doanh và Pháp luật tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Phòng – Trưởng Phòng Công thương huyện Giao Thủy. Tại đây, ông Phòng cũng cho biết có nhận được phản ánh của các nhà xe về việc xe khách Nam Hồng 2 hoạt động trên địa bàn xã Giao Hương. Tuy nhiên, ông Phòng cho rằng chức năng nhiệm vụ của Phòng Công thương huyện Giao Thủy chỉ là quản lý hành chính, còn việc cấp phép hoạt động, phân luồng tuyến phải do trên Sở Giao thông vận tải tỉnh cấp.

“Đối với các xe khách tại địa bàn, chúng tôi tạo điều kiện cho được đón trả khách tại địa phương. Tuy nhiên phải được sự chấp thuận cho nối dài tuyến từ chính quyền cấp xã. Bên cạnh đó, các nhà xe này phải đảm bảo an ninh trật tự, không tranh giành khách. Tôi cam kết, nếu xe nào chỉ cần có dấu hiệu vi phạm an ninh trật tự, tranh giành khách tôi sẽ xử lý nghiêm ngay” - ông Phòng cho biết.

Tiếp đó, khi được hỏi về việc trước đây UBND xã Giao Hương đã từng có báo cáo gửi Phòng Công thương cho rằng số lượng xe tại địa bàn đã đủ nhưng không hiểu lý do gì chỉ sau vài ngày Phòng Công thương và UBND xã lại đều chấp thuận cho xe khách Nam Hồng 2 hoạt động, thì được ông Phòng cho biết rằng: "Là do dưới xã họ nghiên cứu thấy hợp lý thì họ chấp thuận và báo cáo lên Phòng Công thương. Việc này xã không xin ý kiến hay chỉ đạo của Phòng Công thương".

Như vậy, có thể thấy những phản ánh của nhiều nhà xe về việc xe khách Nam Hồng 2 được chấp thuận cho hoạt động trên địa bàn xã Giao Hương gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là hoàn toàn có cơ sở. Dư luận đặt ra câu hỏi, lý do gì trước đó UBND xã Giao Hương không đồng ý với việc xe khách Nam Hồng 2 hoạt động trái phép trên địa bàn do đã đủ lượng xe hoạt động, nhưng chỉ vài ngày sau xã lại chấp thuận cho xe khách từng cố tình vi phạm được đón trả khách trên địa bàn. Việc chấp thuận cho xe khách Nam Hồng 2 hoạt động liệu có hợp lý, đúng quy định của pháp luật hay chưa?

Trước thực trạng trên, báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục làm việc với Sở Giao Thông vận tải tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng liên quan. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu, điều chỉnh lại hoạt động của các nhà xe trên địa bàn xã Giao Hương để tránh tình trạng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều nhà xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Cùng chuyên mục

Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…
Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định: Cần xử lí nghiêm hành vi quan hệ bất chính của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình
Bà Ngô Thị Đào, 74 tuổi, ở thôn Thiên Bình, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng tố cáo: Ông Bùi Văn Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình đã có vợ con nhưng có hành vi quan hệ bất chính với con dâu bà là chị Lưu Thị T, đảng viên, công chức Văn phòng HĐND và UBND xã Nghĩa Bình...
Đại Hiệp - Đại Lộc - Quảng Nam: Một hộ dân không được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vì sai sót của UBND xã?
Vừa qua tòa soạn nhận được phản ảnh của đại diện hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tiến ở tại thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phản ảnh việc hộ ông bị ảnh hưởng và thiệt hại do không được cấp sổ đỏ vì sai sót trong quá trình cập nhật sổ địa chính từ năm 1998 của xã Đại Hiệp . Được biết thửa đất của gia đình ông đã làm nhà ở và sử dụng ổn định , không có tranh chấp từ năm 1995 cho đến nay. Thửa đất có số thửa 723 tờ bản đồ số 2 diện tích 920 m2.
Nha khoa Miley Luxury đối mặt với các cáo buộc về việc cấy ghép Implant răng không được chứng nhận
Khách hàng được Nha khoa Miley Luxury tư vấn nhổ cùng lúc 20 chiếc răng và trồng 12 trụ Implant nhãn hiệu Alphadent của Đức nhưng khi yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan thì lại “bỏ ngõ”. Nghi ngờ các trụ Implant do phòng khám sử dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ nên người nhà bệnh nhân đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Tin mới

Shark Bình: Từ 2 triệu tiền viết phần mềm thuê, mua máy tính nhờ tiền bán đất đến 'cá mập' Shark Tank
Bà Phạm Thị Kim Hòa, mẹ của Shark Bình, chia sẻ rằng niềm đam mê công nghệ thông tin của con trai bà đã được bộc lộ từ khi còn học phổ thông. Khi ấy, để con trai có thể theo đuổi đam mê, bà đã không ngần ngại bán đi hai mảnh đất để mua cho Bình chiếc máy tính đầu tiên.