Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 13/11/2019 02:59 (GMT+7)

Nam Định: Vì sao người dân thôn Dương Hồi kháng cáo Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh?

Người dân thôn Dương Hồi cho rằng các nhận định trong Bản án sơ thẩm chưa thỏa đáng, chưa xem xét một cách khách quan các căn cứ pháp luật trong vụ án hành chính và đã tiến hành kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Theo người dân thôn Dương Hồi phản ánh, một số nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) trong Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2019/HC-ST còn chưa thỏa đáng, chưa xem xét một khách quan các quy định pháp luật liên quan đến tính hợp pháp của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1890 QĐ-XPVPHC, cụ thể như sau:

Bản án sơ thẩm số 05/2019/HC-ST tuyên bác đơn khởi kiện của người dân thôn Dương Hồi với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND huyện Ý Yên.

Về thời gian và thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính (BBVPHC)

Theo nội dung bản án, HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 139/2017/ND-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ thì: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng là… 02 năm”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản”. Vào tháng 8/2017, Cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi do ông Phạm Văn Tập – Trưởng thôn làm đại diện đã có hành vi xây dựng công trình cổng làng lấn chiếm hành lang bảo vệ khu di tích lịch sử - Văn hóa Đền thờ Vua Đinh, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên.

Ngày 13/3/2018, UBND xã Yên Thắng lập biên bản vi phạm hành chính; đến ngày 11/4/2018 Chủ tịch UBND huyện Ý Yên ban hành Quyết định số 1836 QĐ-XPVPHC xử phạt cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi. Do sai sót về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính nên ngày 18/4/2018, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên ban hành Quyết định số 1888 QĐ – HBXPVPHC hủy bỏ toàn bộ Quyết định số 1836 QĐ-XPVPHC ngày 11/4/2018. Đến ngày 19/4/2018, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên ban hành Quyết định số 1890 QĐ-XPVPHC xử phạt Cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên do ông Phạm Văn Tập làm đại diện. Từ các lập luận này, HĐXX cho rằng việc ban hành quyết định của Chủ tịch UBND huyện Ý Yên phù hợp với quy định của pháp luật về thời hiệu, thời hạn.

Tuy nhiên, người dân thôn Dương Hồi cho rằng: HĐXX cấp sơ thẩm đã không phân biệt rõ ràng quy định về thời hiệu xử phạt và thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính. Về thời hiệu xử phạt thì vẫn còn hiệu lực nhưng về thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì đã hết thời hạn 30 ngày theo quy định pháp luật.

Trường hợp UBND huyện Ý Yên có phát hiện ra Quyết định số 1836 QĐ-XPVPHC ngày 11/4/2018 bị sai về đối tượng và đã ban hành quyết định hủy bỏ thì cũng chỉ được ban hành quyết định khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính) chứ không được ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1890 QĐ-XPVPHC (ngày 19/4/2018) do đã hết thời hạn ban hành theo quy định tại Điều 66 Luật này. Như vậy, việc UBND huyện Ý Yên vẫn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1890 trong trường hợp này là trái với quy định pháp luật nêu trên.

Về thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính:

Ngày 13/3/2018, UBND xã Yên Thắng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi do ông Phạm Văn Tập – Trưởng thôn làm đại diện. Trong đó bà Ngô Thị Hoa – Cán bộ Văn hóa Thông tin xã là người lập Biên bản, ngoài ra còn có sự tham gia của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, các cán bộ Địa chính Môi trường, cán bộ Tư pháp xã Yên Thắng, có sự chứng kiến của thường trực Đảng ủy xã và đại diện một số cơ quan chuyên môn của huyện, các thành phần nói trên đều ký vào Biên bản nên HĐXX cho rằng việc này đã đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm Hành chính năm 2012, Điều 69 Nghị định số 139/2017/ND-CP ngày 27/11/2017.

Về nhận định này, người dân thôn Dương Hồi cho rằng: Điều 69 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 đã quy định rất rõ về thẩm quyền lập BBVPHC phải là: Thanh tra viên xây dựng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành; Chánh thanh tra Sở xây dựng; Chánh thanh tra Bộ xây dựng; Chủ tịch UBND cấp xã; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ kiểm tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng (Ví dụ: Cán bộ địa chính phụ trách địa chính – xây dựng thuộc UBND).

Trong trường hợp này, bà Ngô Thị Hoa (hiện chỉ là cán bộ hợp đồng Văn hóa thông tin xã Yên Thắng, không phải là công chức chuyên trách) đứng ra lập BBVPHC số 01/BB-KNBB ngày 13/03/2018 rõ ràng là sai thẩm quyền theo quy định pháp luật nêu trên. Sự chứng kiến của một số cán bộ khác đại diện chính quyền xã không thể thay thế các quy định pháp luật về thẩm quyền lập biên bản như nhận định của HĐXX cấp sơ thẩm. Nếu hiểu như vậy, các trường hợp khác khi xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị vận dụng tùy tiện, trái luật dẫn tới không quản lý được việc thực thi công vụ theo phân cấp.

Về đối tượng bị xử phạt VPHC tại Quyết định 1890

HĐXX cấp sơ thẩm nhận định rằng, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định số 139/2017/ND-CP thì “Hộ gia đình, Cộng đồng dân cư… được gọi chung là cá nhân”. Như vậy Cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi được coi là cá nhân khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Về tư cách đại diện của ông Phạm Văn Tập cho Cộng đồng thôn Dương Hồi, Hội đồng xét xử thấy với tư cách là trưởng thôn ngày 2/8/2017, khi cán bộ và nhân dân thôn Dương Hồi lập tờ trình xin phép xây dựng cổng làng, ông Tập đại diện nhân dân – trưởng ban kiến thiết ký tờ trình; ngày 13/3/2018 UBND xã Yên Thắng lập biên bản vi phạm hành chính thì ông Tập với tư cách là Trưởng thôn – đại diện Cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi tham dự vào việc lập biên bản;

Sau khi nhận Quyết định số 1836 QĐ – XPVPHC ngày 11/4/2018 của Chủ tịch UBDN huyện Ý Yên, ngày 13/4/2018 tại cuộc họp toàn thể nhân dân thôn Dương Hồi đã thống nhất cử ra một số người, trong đó có ông Tập thay mặt toàn thể nhân dân làm đơn khiếu nại, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan cho đến khi vụ việc cổng làng thôn Dương Hồi được giải quyết xong. Do đó, HĐXX cho rằng, việc Chủ tịch UBND huyện Ý Yên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi do ông Phạm Văn Tập làm đại diện là có căn cứ và đúng pháp luật.

Đánh giá về nhận định này, người dân thôn Dương Hồi cho rằng: Việc xây dựng công trình cổng làng tại thôn Dương Hồi do một số cá nhân đứng ra thực hiện, tại thời điểm phát hiện chỉ có một số cá nhân là thợ xây đang tiến hành hoạt động xây dựng. Theo quy định điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu xác định đúng thực tế có vi phạm hành chính xảy ra thì UBND huyện Ý Yên phải tiến hành lập BBVPHC, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với từng cá nhân đang thực hiện hoạt động xây dựng nêu trên ngay tại thời điểm vi phạm mới đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND huyện Ý Yên chỉ căn cứ vào các biên bản, tờ trình xin chủ trương xây dựng cổng làng để đưa cả Cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi trở thành chủ thể vi phạm hành chính trong Quyết định 1890, việc này thể hiện sự "quy chụp" và thiếu khách quan khi xác định cả những cá nhân không tham gia hoạt động xây dựng trở thành chủ thể vi phạm hành chính trong khi đã xác định rõ được các cá nhân trực tiếp tiến hành hoạt động xây dựng.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 03/12/2018 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn thì Trưởng thôn không có nghĩa vụ, quyền hạn đại diện cho Cộng đồng dân cư trong thôn để chịu trách nhiệm về các vi phạm hành chính bị xử lý.

Cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi không hề có văn bản cử Trưởng thôn (ông Phạm Văn Tập) là người đại diện trong việc xử lý, thực hiện các nghĩa vụ trong việc xử lý vi phạm hành chính với cơ quan có thẩm quyền, bản thân ông Phạm Văn Tập cũng không đồng ý việc làm đại diện cho Cộng đồng dân cư thôn Dương Hồi trong sự việc này. Do đó, Quyết định 1890 đưa ông Phạm Văn Tập là người đại diện cho đối tượng vi phạm hành chính là sự áp đặt chủ quan, sai chủ thể, nhất là trong bối cảnh ông Tập không trực tiếp chỉ đạo và trực tiếp thực hiện hoạt động xây dựng cổng làng.

Về căn cứ để lập biên bản xử phạt hành chính

Đối với Quyết định số 04/QĐUB ngày 2/1/1996 của UBND tỉnh Nam Hà về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Vua Đinh ở xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, HĐXX cấp sơ thẩm nhận thấy, về thẩm quyền của cơ quan ban hành Quyết định số 04/QĐUB nêu trên chưa phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 cũng như các quy định của pháp luật trong lĩnh vực Di sản Văn hóa thì việc công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Vua Đinh thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Nam Định.

Di tích đền vua Đinh tại thôn Dương Hồi.

Mặt khác đền Vua Đinh ở xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, đã xây dựng lâu đời, có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, được các thế hệ cộng đồng dân cư địa phương bảo vệ, tu bổ, gìn giữ và phát huy các giá trị của di tích. Ý kiến của Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Công văn số 408/DSVH-TT ngày 15/6/2019, cũng như trả lời của UBND tỉnh Nam Định đối với kiến nghị của nhân dân tại Công văn số 446/UBND-VP8 ngày 28/6/2019 đều xác định việc kiến nghị thu thồi, hủy bỏ Quyết định số 04/QĐUB ngày 2/1/1996 của UBND tỉnh Nam Hà không còn hiệu lực xem xét. Di tích lịch sử đền Vua Đinh ở xã Yên Thắng, huyện Ý Yên phải được bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Về nhận định này của HĐXX cấp sơ thẩm, người dân thôn Dương Hồi cho rằng: Nghị định số 288/HĐBT do Hội đồng bộ trưởng ban hành ngày 31/12/1985 và Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7 do Hội đồng nhà nước ban hành ngày 04/04/1984 đã quy định rõ thẩm quyền công nhận và cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa thời điểm năm 1996 thuộc Bộ Văn hóa. HĐXX cũng đã thừa nhận Quyết định số 04/QĐUB ngày 2/1/1996 của UBND tỉnh Nam Hà về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Vua Đinh ở xã Yên Thắng, huyện Ý Yên chưa phù hợp về thẩm quyền (tức là sai thẩm quyền) với quy định pháp luật tại thời điểm ban hành thì cần phải tôn trọng các quy định pháp luật chứ không được dựa vào các căn cứ khác về văn hóa, lịch sử và các căn cứ pháp luật sau thời điểm ban hành quyết định (Luật di sản văn hóa năm 2001) để thừa nhận, hợp pháp hóa cho sự tồn tại của quyết định hành chính sai thẩm quyền này.

Việc này sẽ tạo tiền lệ xấu cho các quyết định hành chính sai thẩm quyền khác được phép ban hành và tồn tại trái với quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hoặc tạo ra các án lệ có tồn tại sự ưu tiên đánh giá yếu tố văn hóa, lịch sử cao hơn sự đánh giá tính hợp pháp của các quy định pháp luật là không phù hợp.

Mặt khác, ngày 09/8/2019 Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp đã có ý kiến trả lời đơn kiến nghị của Cộng đồng đân cư thôn Dương Hồi thông qua văn bản số 449/KTrVB-NC, trong đó có nội dung khẳng định việc ban hành Quyết định số 04/QĐUB ngày 02/01/1996 của UBND tỉnh Nam Hà phải tuân thủ quy định về thẩm quyền xếp hạng di tích tại Điều 8 Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh năm 1984. Theo đó, Căn cứ vào đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương, Bộ trưởng Bộ văn hoá ra quyết định công nhận di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Từ các căn cứ này, người dân thôn Dương Hồi cho rằng bản án Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2019/HC-ST của TAND tỉnh Nam Định là chưa khách quan và thỏa đáng. Đồng thời muốn gửi các ý kiến này để Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ đánh giá chính xác và công tâm tâm hơn để bảo vệ quyền lợi cho người dân thôn Dương Hồi.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...