Nam thanh niên lúc nào cũng cảm thấy người nhà hãm hại mình và căn bệnh đáng lưu ý
Một nam thanh niên có biểu hiện bất thường như trên được người nhà cưỡng chế đưa vào Viện sức khoẻ tâm thần Bạch Mai khám. Tại đây, anh được chẩn đoán tâm thần phân liệt.
VTC News đưa tin, anh H, 32 tuổi, quê Nam Định mới được đưa vào Viện sức khoẻ tâm thần Bạch Mai điều trị với lý do lúc nào cũng nghĩ người nhà theo dõi và âm mưu hãm hại mình.
Anh là con thứ 2 trong nhà, chưa lập gia đình, sống cùng bố mẹ, anh trai và em gái. Anh hiền lành hướng nội ít bạn bè, học hết lớp 9, hiện làm thợ cắt tóc ở nhà.
Cách đây 2 năm, người nhà quan sát thấy H chậm chạp hơn, ít nói, hay mệt, ngại giao tiếp với cả người thân, thường xuyên tránh các buổi liên hoan tụ tập. Nghĩ H bị trầm cảm, người nhà muốn đưa anh đến viện thăm khám nhưng anh không chịu, khăng khăng nói mình khỏe.
Hai tháng gần đây H mệt mỏi hơn, ít hoạt động, ít chủ động giao tiếp hơn thời gian trước. Anh thường xuyên nghỉ làm, một mình trong phòng, hầu như không tiếp xúc với bạn bè đồng nghiệp hay người nhà, ăn uống thất thường không theo giờ giấc. Anh cáu gắt không rõ lý do, có lúc lại lẩm bẩm một mình. Đêm đến anh thường trằn trọc, ngủ ít. Lúc giận dữ, anh còn chửi bới, đập phá đồ đạc trong nhà
Thấy như vậy, người nhà lo lắng quan tâm chăm sóc H thì anh cho rằng họ đang theo dõi, giám sát mình, thậm chí âm mưu hại mình.
Vì thế, người nhà buộc phải cưỡng chế đưa vào Viện sức khoẻ tâm thần Bạch Mai khám. H được chẩn đoán tâm thần phân liệt.
BSCKII. Vương Đình Thủy cho biết, bệnh nhân H được điều trị kéo dài 25 ngày, đáp ứng điều trị, các triệu chứng hoang tưởng bị theo dõi, bị hại, ảo thanh giảm, cảm xúc hành vi… ổn định hơn. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân bỏ ngang điều trị. Đến khi gặp mâu thuẫn, căng thẳng trong công việc, kèm theo thường xuyên đi nhậu, anh H tái bệnh ở mức độ tăng hơn.
Theo báo Giao Thông, BS. Ngô Văn Tuất, Trưởng phòng Rối loạn loạn thần và y học tự sát cho biết, tâm thần phân liệt có nguy cơ tái phát cao dao động từ 50 - 92% trên toàn cầu. Tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt sau đợt loạn thần đầu tiên trong 5 năm đầu tới 80%. Bệnh nhân có thể có 1 hoặc nhiều lần tái phát.
Nguyên nhân bệnh tái phát thường liên quan tới không tuân thủ thuốc điều trị, dùng thuốc chất kích thức, sang chấn tâm lý…
Cũng theo cảnh báo BS. Tuất, người mắc tâm thần phân liệt xảy ra tái phát hậu quả thường rất nặng nề. Mỗi lần tái phát gây tổn thương dẫn tới teo não tiến triển. Hầu hết các bệnh nhân có nhiều lần tái phát, gây khó khăn làm việc, kết hôn, sinh con, sống một cách độc lập.
Còn BS. Thủy nhấn mạnh, bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt nếu can thiệp muộn dẫn nhiều hậu quả đáng tiếc. Nếu bệnh nhân tái phát nhiều lần dễ dẫn đến tổn thương não, thời gian điều trị kéo dài, khó điều trị, đáp ứng thuốc kém.
Việc can thiệp muộn, còn tăng nguy cơ bệnh nhân tự sát, ngoài ra, trong giai đoạn cấp, bệnh có thể hoang tưởng, ảo giác, dễ kích động dẫn tới có hành vi gây tổn hại đến người xung quanh, do luôn nghĩ “mọi người hại mình” hoặc “nghe tiếng nói sai khiến trong đầu”…
“Mặc dù được coi là bệnh loạn thần nặng, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, được khuyến khích chủ động đến khám đúng chuyên khoa và duy trì điều trị với sự đồng hành từ chính gia đình, các bệnh nhân tâm thần phân liệt hoàn toàn có cơ hội sống, làm việc như mọi người”, BS. Tuất khẳng định.