Nga vận hành trạm nghiên cứu mới ở Nam Cực
Ngày 28/1, Tổng thống Nga V.Putin đã phát lệnh bắt đầu vận hành trạm nghiên cứu mùa Đông mới Vostok của nước này tại Nam Cực.
Trạm nghiên cứu mới thay thế cho trạm cũ được xây dựng từ năm 1957 và sẽ hoạt động quanh năm. Trạm có thiết kế mô-đun gồm 5 khối ghép lại với tổng diện tích 3000 m2, tại đây có đủ điều kiện hiện đại cho 15 nhà khoa học làm việc vào mùa Đông, và có thể lên tới 35 người vào thời gian còn lại trong năm.
Các nhà khoa học tại đây có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của Mặt trời, nghiên cứu các hiện tượng vũ trụ ảnh hưởng đến con người và máy móc, theo dõi các thay đổi của khí hậu. Họ tiến hành các quan sát địa vật lý và các thí nghiệm y học, theo dõi tình trạng tầng ozon và nghiên cứu hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa của các nhà khoa học Nga tại Nam Cực là nghiên cứu hồ nước năm dưới lớp băng thường được gọi là vĩnh cửu. Hồ này có từ thời tiền sử khi khí hậu tại Nam Cực còn ấm áp.
Tổng thống V.Putin chỉ ra rằng trạm được đặt ở khu vực có điều kiện khí hậu cực đoan bậc nhất thế giới. Nhiệt độ vùng Nam Cực có thể xuống tới -90oC, khi đó ngay cả việc hít thở cũng rất khó khăn, đêm vùng cực kéo dài tới 6 tháng một năm.
Trạm nghiên cứu “Vostok” đặt ở độ cao 3500 mét nên nồng độ oxy trong không khí rất thấp, các nhà khoa học phải làm việc trong điều kiện không khí vô cùng khô và bức xạ cực tím mạnh. Do đó Tổng thống V.Putin nhấn mạnh cần phải đảm bảo điều kiện sống và làm việc cho các nhà khoa học.
Nhờ trang thiết bị hiện đại, nhiệt độ trong các phòng sinh hoạt của trạm “Vostok” được duy trì ở mức từ 5 đến 15oC. Ông cũng cho biết tất cả các trang thiết bị sưởi ấm, thông gió, cung cấp năng lượng và nước phục vụ cho trạm đều do Nga sản xuất.
Hiện Nga có 5 trạm nghiên cứu khoa học mặt đất hoạt động quanh năm, trong đó “Vostok” là trạm cực nam và được trang bị hiện đạt nhất.