Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 27/03/2024 10:53 (GMT+7)

Nhất trí phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Hôm nay (27/3/2024), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Trước phiên họp diễn ra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã có báo cáo gửi Hội nghị về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.

Nhất trí phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội thống nhất với phương án để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 là tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trước đó, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, đa số Đại biểu nhất trí với dự thảo Luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nhưng cũng có một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã nêu cả ưu - nhược điểm của cả hai quan điểm trên. Theo đó, việc tiếp tục quy định cấm này là một trong những giải pháp căn cơ góp phần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu, bia, đặc biệt là uống rượu, bia rồi thì không được lái xe. Việc hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” có thể là một quá trình lâu dài, nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tình hình giao thông của Việt Nam. Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy sự hình thành văn hóa đó, kết hợp tổng thể các biện pháp khác để xây dựng môi trường sống lành mạnh, lối sống không phụ thuộc vào việc tiêu thụ đồ uống có cồn...

Mặt khác, theo báo cáo, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc xử lý. Hơn nữa, khi có ngưỡng rất dễ xảy ra trường hợp bị ép uống và khi đã uống dễ bị kích thích, khó làm chủ bản thân và dừng lại. Bên cạnh đó, việc quy định ngưỡng có nhiều hạn chế, trong đó có việc lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân khi chúng ta đã dày công tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”. Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng nêu rõ, Thường trực cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ là cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo ý kiến đề xuất của một số đại biểu, Thường trực Ủy ban đã thiết kế 02 phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024). Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6, Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ). Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể đối với 02 phương án trên và nhất trí đề nghị lựa chọn Phương án 1. Theo đó, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị các Đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thống nhất với Phương án 1 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 là tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Sau quá trình thực hiện, khi đã hình thành ý thức, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” sẽ tiến hành tổng kết quy định này để có đề xuất cho phù hợp.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 11/2024
Quy định mới về hình thức giám sát của nhân dân với Cảnh sát giao thông; Quy định mới về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng; Điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập từ ngày 20/11/2024;... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 11/2024.
Người nộp thuế cần cập nhật thông báo để tránh bị cấm xuất cảnh
Trước khi ban hành Thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế cũng đã thực hiện một số các biện pháp đôn đốc như gọi điện thoại, gửi thông báo nợ, gửi quyết định cưỡng chế (nếu có)... cho người nộp thuế (NNT). Người nộp thuế cần cập nhật thông báo để tránh bị cấm xuất cảnh.

Tin mới

Bỏ hình thức thi đối với thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ 15/12/2024
Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT so với quy định cũ là không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.