Nhơn Trạch (Đồng Nai): Mua giấy khám sức khỏe có dấu của Trung tâm y tế huyện dễ như mua hàng online?
Sức khỏe của người lao động là điều kiện tiên quyết để lựa chọn nhân sự cho các công ty. Do đó, trong mỗi bộ hồ sơ xin việc đều yêu cầu phải có giấy khám sức khỏe. Giấy khám sức khỏe là một loại chứng nhận do cơ sở y tế cấp để phản ánh điều kiện sức khỏe hiện tại của người được khám sức khỏe. Tuy nhiên, không cần phải đi khám mất thời gian, chỉ cần chụp căn cước công dân và tấm hình chân dung gửi cho “nhân viên” y tế là có ngay một giấy khám sức khỏe đầy đủ thông tin và mộc đỏ chót.
Được biết, quy trình khám để có được một giấy chứng nhận sức khỏe thường phải diễn ra nhiều bước, từ xác định đối tượng khám đến việc thăm khám từng chuyên khoa như: Khám răng, hàm, mặt; Khám tai, mũi, họng; Khám tổng quát da liễu; Khám nội tổng quát; Khám phụ khoa; Làm các kiểm tra cận lâm sàng cơ bản như: siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang, test HIV, test chất gây nghiện,... bác sĩ đủ thẩm quyền mới ký vào giấy khám sức khỏe cùng kết luận có đủ điều kiện sức khỏe phù hợp với yêu cầu hay không.
Quy định là vậy, nhưng thực tế theo ghi nhận của phóng viên, việc mua giấy khám sức khỏe tại Đồng Nai để phục vụ xin việc làm, xin nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội,… rất đơn giản, không cần khám, không cần xuất hiện chỉ chụp ảnh căn cước công dân và ảnh chân dung là có ngay một giấy khám sức khỏe theo đúng yêu cầu của khách hàng với giá từ 100.000 đồng đến 380.000 đồng.
Mua giấy khám sức khỏe dễ như mua hàng online
Tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, khi có nhu cầu về giấy khám sức khỏe để đi xin việc hoặc nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ cần hỏi người lái xe ôm, bà bán tạp hóa hoặc cửa hiệu photo,… quanh khu công nghiệp là có thể mua được các loại giấy khám sức khỏe đáp ứng yêu cầu.
Trong vai người cần mua giấy khám sức khỏe, với yêu cầu phải là giấy “xịn” có dấu của cơ sở y tế nhà nước, phóng viên kết nối với một người tự xưng là nhân viên đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch. Người này yêu cầu phóng viên chụp căn cước công dân, ảnh chân dung gửi qua zalo cùng với giá tiền là 380.000 đồng cho giấy khám sức khỏe để xin việc và 100.000 đồng cho giấy khám sức khỏe để xin nghỉ ốm, tất cả đều là hàng “xịn”. Điều đáng nói ở đây, phóng viên đã cố tình lấy căn cước công dân của một người và ảnh chân dung của một người khác, nhưng nhân viên kia vẫn cho ra một giấy khám sức khỏe “xịn” có dấu của Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch. Tương tự, phóng viên cũng có kết quả như vậy đối với giấy khám sức khỏe có ghi tên và dấu của Phòng khám Đa khoa Tâm Bình An.
Chưa dừng lại ở đó, tiếp tục quá trình tìm hiểu và điều tra, lần này phóng viên gửi cho “nhân viên” y tế kia một căn cước công dân và ảnh chân dung của một người bị hỏng hẳn một mắt, nhưng dường như nhân viên này không quan tâm và vẫn trả lại kết quả là một giấy khám sức khỏe có đầy đủ chữ ký được cho là của các bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch, chứng nhận cả hai mắt 10/10 và phân loại sức khỏe là loại 1. Giấy khám sức khoẻ này được kết luận bởi BS.CKI Thái Đình Toàn và dấu của Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch?
Để chắc chắn đây là những giấy tờ thật, được cấp ra từ bệnh viện, phóng viên đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần và được nhân viên cung cấp giấy khám sức khỏe khẳng định và sẵn sàng cho đối chiếu.
Thực tế, đây không phải là hiện tượng mới, việc mua bán giấy khám sức khỏe nhằm mục đích xin việc, nghỉ chế độ bảo bảo xã hội đã diễn ra rất phức tạp và trong suốt một thời gian dài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Y tế đã từng khẳng định: “Việc mua bán giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khoẻ là nghiêm cấm, vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị truy tố hình sự. Nếu đơn vị nào cố tình làm thì phải chịu trách nhiệm, rút giấy phép”,
Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng đã có công văn gửi các cơ sở y tế yêu cầu kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chú trọng công tác kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật và tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.
Đồng thời, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm hoạt động quản lý và cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định. Các trường hợp bệnh lý không cần phải nghỉ làm việc thì bác sĩ điều trị không cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội. Các cơ sở đã công bố đủ điều kiện khám sức khỏe, khám sức khỏe lái xe phải thực hiện việc khám đúng, đầy đủ các nội dung theo quy định.
Dù trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã có rất nhiều đường dây làm giả giấy khám sức khỏe bị triệt phá nhưng nhiều người vẫn vô tư mua bán, sử dụng loại giấy tờ giả này, nhiều đối tượng vẫn thờ ơ, xem nhẹ, thậm chí là bất chấp để làm giả các loại giấy tờ trên để buôn bán kiếm lời. Một lý do khác để giấy khám sức khỏe giả vẫn còn đất sống, tuy là loại giấy tờ bắt buộc có trong hồ sơ xin việc, nhưng các cơ sở khám sức khỏe chưa thực sự kiểm soát tốt và nhà tuyển dụng lại dễ dàng chấp nhận như là chỉ để cho có mà thôi.
Mua bán giấy khám sức khỏe sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mua bán giấy khám sức khỏe là hành vi bị cấm bởi pháp luật. Tùy theo mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tù từ 2-5 năm. Cụ thể như sau:
Xử lý vi phạm hành chính
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 46 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu;
b) Phân loại sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe của người yêu cầu khám sức khỏe….”
Theo đó, nếu cơ sở khám chữa bệnh, hoặc cá nhân nào cung cấp giấy khám sức khỏe cho người khác mà không thực hiện theo quy định của pháp luật, thì có thể bị phạt tiền từ 3 triệu – 5 triệu đồng.
Mua bán giấy khám sức khỏe cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Người bán giấy khám sức khỏe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan; tổ chức, được quy định cụ thể tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan; tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;…
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”…
Tòa soạn tiếp tục thông tin về vấn đề này…