Những đối tượng được cấp Giấy chứng nhận căn cước từ 01/7/2024
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 16/2024/TT-BCA quy định về mẫu thẻ căn cước và mẫu giấy chứng nhận căn cước. Thông tư này có hiệu lực kể từ 01/7, cùng thời điểm với Luật Căn cước 2023.
Theo đó, kể từ 01/7, Luật Căn cước 2023 bắt đầu có hiệu lực thi hành, quy định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp Giấy chứng nhận căn cước.
Nhằm hướng dẫn cụ thể điểm mới trên, tại Thông tư 16/2024/TT-BCA vừa ban hành, Bộ Công an quy định chi tiết về quy trình cấp Giấy chứng nhận căn cước.
Cụ thể, Giấy chứng nhận căn cước có hình chữ nhật, chiều rộng 74mm, chiều dài 105mm; được sản xuất bằng chất liệu giấy.
Hai mặt của Giấy chứng nhận căn cước in trên vân nền được thiết kế với hình ảnh, họa tiết truyền thống dân tộc. Nền mặt trước gồm hình bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn, họa tiết trang trí dân tộc. Nền mặt sau gồm trống đồng, các hoa văn, họa tiết trang trí dân tộc.
Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ảnh khuôn mặt của người được cấp Giấy chứng nhận căn cước được in màu trực tiếp trên Giấy chứng nhận căn cước.
Mặt trước Giấy chứng nhận căn cước bao gồm các thông tin: hình Quốc huy, dòng chữ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; dòng chữ "chứng nhận căn cước"; ảnh khuôn mặt của người được cấp Giấy chứng nhận căn cước.
Ngoài ra còn có mã QR; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; thời hạn sử dụng đến.
Mặt sau Giấy chứng nhận căn cước gồm các thông tin: vân tay ngón trỏ trái; vân tay ngón trỏ phải; họ, chữ đệm và tên cha, quốc tịch; họ, chữ đệm và tên mẹ, quốc tịch; họ, chữ đệm và tên vợ (chồng), quốc tịch; họ, chữ đệm và tên của người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ, quốc tịch; ngày, tháng, năm.
Luật Căn cước 2023 nêu rõ, Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Số liệu từ Bộ Công an cho thấy, hiện nay có hơn 31.000 người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch.
Việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Người gốc Việt Nam khi được cấp Giấy chứng nhận căn cước có thể sử dụng giấy này để tham gia các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.
Thông qua đó, Nhà nước cũng quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận căn cước, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp huyện hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp tỉnh nơi mình đang sinh sống.
Theo quy định tại Luật Căn cước, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên Giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp Giấy chứng nhận căn cước trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đã xuất trình Giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong Giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong Giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp Giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.