Những nghi vấn về vai trò của cá nhân, tổ chức trong ‘đại án’ 43 ha đất vàng?
Cơ quan điều tra Bộ công an vừa kết thúc điều tra bổ sung vụ án hình sự 190 ha đất tại Tổng công ty 3/2, Bình Dương. Một trong những nội dung quan trọng là xác định vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan trong đó có Công ty Kim Oanh trong vụ án này.
Xuất hiện từ giai đoạn đầu của vụ án
Ngày 13/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố các bị can trong vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty Bình Dương) và các đơn vị liên quan.
Trở lại theo hồ sơ vụ việc, khi Tổng công ty 3/2 chưa được giao đất, ngày 1/7/2010, Nguyễn Đại Dương (con rể nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn Minh) dùng Công ty Âu Lạc ký Hợp đồng hợp tác với Tổng công ty 3/2 thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú với tổng số vốn 200 tỷ đồng để đầu tư dự án trên khu đất 43 ha, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (70%), Tổng công ty 3/2 góp 60 tỷ đồng (30 %). Khu đất là của Nhà nước, Tỉnh ủy Bình Dương chỉ cho phép Tổng công ty 3/2 góp vốn bằng tiền, không góp vốn bằng đất, không cho phép chuyển nhượng đất. Trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty 3/2, ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy Bình Dương xác định khu đất 43 ha phải được bàn giao cho Công ty Impco (Doanh nghiệp Nhà nước) quản lý.
Tổng công ty 3/2 không bàn giao khu đất cho Impco. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định Nguyễn Đại Dương trực tiếp bàn bạc với bà Đặng Thị Kim Oanh (Công ty Kim Oanh) để chuyển nhượng Công ty Tân Phú kèm theo 43 ha đất. Bất chấp chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 19/8/2016, Công ty Âu Lạc ký Hợp đồng hứa mua, hứa bán cho Công ty Thuận Lợi (do ông Nguyễn Thuận, chồng bà Đặng Kim Oanh, là giám đốc) với nội dung: Công ty Tân Phú đã thỏa thuận và đã thanh toán tiền nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất khu đất 43 ha cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương theo quy định; cam kết sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú và chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Thuận Lợi với giá 350 tỷ đồng, nếu không thực hiện sẽ bồi thường cho Công ty Thuận Lợi 800 tỷ đồng.
Tại thời điểm này, khu đất 43 ha vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước, không phải của Công ty Tân Phú, chưa có bất cứ thỏa thuận và thanh toán nào của Công ty Tân Phú nhận chuyển nhượng khu đất. Chính Tổng công ty 3/2 phải bàn giao và không có quyền chuyển nhượng khu đất. Công ty Âu Lạc không không có quyền sở hữu, không có thỏa thuận gì với 30% cổ phần của Tổng công ty 3/2, không có tư cách gì để thỏa thuận với bà Đặng Thị Kim Oanh.
Tiếp tục, ngày 8/12/2016, Nguyễn Văn Minh đại diện Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú với tổng giá 250 tỷ đồng. Dù Công ty Tân Phú mới thanh toán được 140 tỷ đồng, Tổng công ty 3/2 vẫn đề nghị sang tên và bàn giao Giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty Tân Phú. Tổng công ty 3/2 đã cố tình hạch toán sai báo cáo tài chính kế toán năm 2016 để che dấu việc chuyển nhượng đất.
Thực hiện đến cùng thỏa thuận của Nguyễn Đại Dương với phía bà Đặng Thị Kim Oanh, Nguyễn Văn Minh “thu xếp” để Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá 161 tỷ đồng. Chưa nhận tiền, Tổng công ty 3/2 vẫn xác nhận đã thanh toán xong để Công ty Âu Lạc hoàn tất thủ tục sở hữu 100% vốn Công ty Tân Phú nhằm sớm chuyển nhượng cho phía bà Đặng Kim Oanh. Sau khi sở hữu 100% vốn, Công ty Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ Công ty Tân Phú với 43 ha đất cho Công ty Kim Oanh với mức giá vô lý 350 tỷ đồng, thấp hơn số tiền thực tế Công ty Âu Lạc bỏ ra để thâu tóm Công ty Tân Phú với 43 ha đất.
Có thể thấy, kết quả điều tra của các cơ quan chức năng đã làm rõ cơ bản những nội dung như: Thực hiện Hợp đồng nhận chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú từ Công ty Âu Lạc, phía bà Đặng Thị Kim Oanh đã chuyển 330 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Âu Lạc và chuyển 20 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Đại Dương. Trong số tiền Công ty Âu Lạc nhận được: Nguyễn Quốc Hùng chuyển 220 tỷ đồng cho Nguyễn Đại Dương; rút vốn 10 tỷ trong khi thực góp vốn 6 tỷ đồng vào Công ty Âu Lạc; chuyển 80 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Tân Phú cho đủ 140 tỷ đồng và số tiền này được Công ty Tân Phú sử dụng để thanh toán cho Tổng công ty 3/2 trong việc nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha; chuyển 20 tỷ đồng để thanh toán tiền nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty 3/2.
Như vậy, có thể đặt ra nghi vấn về việc Nguyễn Đại Dương dùng chính nguồn tiền của phía bà Đặng Thị Kim Oanh để thực hiện các hành vi phạm tội?
Cần làm rõ nghi vấn về vai trò của Công ty Kim Oanh?
Hội đồng định giá xác định giá khu đất 43 ha tại thời điểm chuyển nhượng tháng 12/2016 là 552,9 tỷ đồng, so với giá chuyển nhượng 250 tỷ cho Công ty Tân Phú, số tiền thiệt hại là 302,8 tỷ đồng. Thiệt hại này là để xác định trách nhiệm hình sự của các cá nhân sai phạm.
Sau khi thâu tóm Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh dùng Dự án này huy động vốn của hàng trăm khách hàng thông qua Hợp đồng vay tiền/góp vốn đầu tư. Đơn giá đất theo Hợp đồng lên đến hơn 43 triệu đồng/m2, gấp hơn 75 lần so với giá đất Tổng công ty 3/2 bán cho Công ty Tân Phú ban đầu (570.000 đồng/m2). Chỉ tính tiền chuyển đến tài khoản Công ty Tân Phú, tổng số hơn 466 tỷ đồng, chưa kể giao dịch tiền mặt. Chỉ huy động một phần nhỏ của dự án, khi chưa có giấy phép, Công ty Kim Oanh đã thu về số tiền lớn hơn số tiền 350 tỷ đồng bỏ ra để mua Công ty Tân Phú nhằm có 43 ha đất.
Theo phê duyệt quy hoạch, khu đất 43 ha có đến 23 ha là đất ở, thương mại, dịch vụ, công trình hỗn hợp, riêng đất ở là hơn 20 ha. Tham khảo thông tin trên thị trường bất động sản hiện nay, giá đất tại khu vực trung tâm Bình Dương này dao động từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng, có những vị trí lên đến 100 triệu đồng/m2. Chỉ tính trên 23 ha đất, với đơn giá 30 triệu đồng/m2 (thấp hơn cả giá Công ty Kim Oanh dùng để huy động vốn từ những năm trước), thì dự án này cũng có giá trị 6.900 tỷ đồng, gấp gần 20 lần, với mức chênh lệch 6.550 tỷ so với giá Công ty Kim Oanh bỏ ra để thâu tóm Công ty Tân Phú.
Ngoài ra, trong kết quả điều tra của các cơ quan chức năng đã làm rõ cơ bản những nội dung như: Bà Đặng Thị Kim Oanh không biết, không liên quan đến hành vi trái pháp luật của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm. Không có cơ sở chứng minh bà Đặng Thị Kim Oanh câu kết với bị can Nguyễn Đại Dương thành lập pháp nhân Công ty Tân Phú; cùng Nguyễn Đại Dương mua bán, chuyển nhượng khu đất 43 ha trái quy định pháp luật… Việc bà Đặng Thị Kim Oanh chuyển tiền vay và cho vay với Nguyễn Đại Dương không liên quan đến hành vi làm trái.
Như vậy, bà Đặng Thị Kim Oanh có chuyển tiền cho Nguyễn Đại Dương, nhưng là cho vay (?).
Từ những nội dung nêu trên, có thể thấy vẫn còn có một số nghi vấn cần làm rõ để xác định vai trò của cá nhân, tổ chức trong vụ án:
Thứ nhất, phía công ty Kim Oanh tham gia giao dịch ngay từ giai đoạn đầu của vụ án, Công ty Kim Oanh là người thụ hưởng lợi ích sau cùng của cả chuỗi hành vi trên. Thiệt hại của Nhà nước chính là lợi ích của Công ty Kim Oanh. Lợi ích tính vào thời điểm chuyển nhượng đất là hàng trăm tỷ, vào thời điểm hiện nay là hàng ngàn tỷ đồng. Do các sai phạm về xác định giá đất, Tổng công ty 3/2 chỉ phải nộp cho ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng (tương đương 52.000 đồng/m2) để được sử dụng 43 ha đất này.
Thứ hai, Nguyễn Đại Dương bàn bạc, thỏa thuận chuyển nhượng Công ty Tân Phú kèm theo khu đất cho bà Đặng Thị Kim Oanh từ khi chưa có 100% cổ phần, Công ty Tân Phú chưa có đất. Công ty Tân Phú chưa nhận chuyển nhượng đất, chưa thanh toán tiền cho Tổng công ty 3/2 nhưng lại nêu đã nhận chuyển nhượng và thanh toán tiền. Quá trình cổ phần hóa Tổng công ty 3/2 cũng diễn ra trong thời gian dài, nhiều thông tin được nêu công khai. Tại sao một người có hiểu biết, kinh nghiệm kinh doanh bất động sản như bà Đặng Thị Kim Oanh lại không biết, không kiểm tra các thông tin, chứng từ về khu đất trước khi thỏa thuận, trước khi trả tiền?
Thứ ba, phía bà Đặng Thị Kim Oanh (Công ty Thuận Lợi) mua Công ty Tân Phú từ Nguyễn Đại Dương (Công ty Âu Lạc) kèm theo khu đất với giá 350 tỷ đồng. Nguyễn Đại Dương, Nguyễn Văn Minh không hưởng lợi, thậm chí còn chịu lỗ các chi phí phát sinh, giá của khu đất vào cùng thời điểm theo định giá cũng đã là 552,9 tỷ đồng. Nguyễn Đại Dương và Nguyễn Văn Minh là các doanh nhân, có kinh nghiệm, vậy tại sao lại phải phạm tội đến cùng, trong thời gian dài, quyết tâm thực hiện bằng được thỏa thuận với phía bà Kim Oanh để chịu lỗ. Động cơ phạm tội của Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đại Dương là gì?
Thứ tư, giá thỏa thuận mua Công ty Tân Phú chỉ là 350 tỷ đồng, Nguyễn Đại Dương, Nguyễn Văn Minh không hưởng lợi với giá này, nhưng mới chỉ ký thỏa thuận, khi chưa có quyền với đất và cổ phần, Nguyễn Đại Dương sẵn sàng cam kết bồi thường phía bà Đặng Thị Kim Oanh 800 tỷ đồng nếu không thực hiện đúng thỏa thuận. Tại sao lại có thỏa thuận bất thường này, liệu thỏa thuận này có che dấu một thỏa thuận khác là bên mua chuyển số tiền chênh lệch cho bên bán hay không, để đề phòng bên bán không thực hiện thỏa thuận và cũng không trả lại tiền chênh lệch?
Trong vụ án “bán rẻ” khu đất “vàng” số 8 – 12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM, Tòa đã xét xử và tuyên phạt bà Lê Thị Thanh Thúy (chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm) 5 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tòa cho rằng bà Thúy thành lập Công ty Hoa Tháng Năm để thực hiện hành vi phạm tội và sử dụng phần vốn góp của mình để thực hiện hành vi phạm tội nên tịch thu 189 tỉ đồng mà Công ty Hoa Tháng Năm góp vốn vào Công ty Lavenue.
Dư luận đặt câu hỏi về các vụ việc thất thoát: Số tiền thất thoát đi đâu? Ai hưởng lợi? Kẻ phạm tội tìm đủ mọi cách, tìm mọi sơ hở của pháp luật để bán rẻ tài sản của Nhà nước nhằm mục đích gì?