Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 26/04/2024 07:53 (GMT+7)

Những quyền lợi người lao động được hưởng khi bị tai nạn lao động

Người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động sẽ được trợ cấp từ quỹ của cơ quan bảo hiểm và từ phía người sử dụng lao động.

Những quyền lợi người lao động được hưởng khi bị tai nạn lao động
Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Tai nạn lao động có thể xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, hoặc ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc khi người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại.

Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng đã quy định rõ về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động. Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất,bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp:

(i) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

(ii) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

(iii) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

Thứ hai,suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại Khoản 1 Điều này.

Thứ ba,người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại Khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Theo quy định nêu trên, người lao động đáp ứng những điều kiện trên sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động.

Ngoài ra, Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH nêu rõ, người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động sẽ được trợ cấp từ quỹ của cơ quan bảo hiểm và từ phía người sử dụng lao động gồm:

- Trợ cấp từ quỹ tai nạn lao động của cơ quan bảo hiểm: Tùy từng trường hợp căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động mà người lao động sẽ được hưởng trợ cấp khác nhau:

- Trường hợp mức độ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 31%: Người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần. Mức suy giảm khả năng lao động là 5% thì được hưởng mức tính bằng 5 lần tiền lương cơ sở. Nếu tỷ lệ cao hơn thì cứ thêm 1% sẽ được cộng thêm 1/2 lương cơ sở. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm theo thâm niên đóng BHXH. Nếu thời gian đóng từ 1 năm trở xuống thì sẽ được hưởng 1/2 tháng; trên 1 năm thì cứ mỗi năm sẽ được cộng một khoản bằng 30% mức lương đóng bảo hiểm của tháng gần nhất trước thời gian người lao động xin nghỉ vì tai nạn lao động.

- Trường hợp mức độ suy giảm khả năng lao động trên 31%: Người lao động sẽ được trợ cấp hàng tháng khi bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Theo đó, mức trợ cấp thấp nhất được tính bằng 30% tiền lương cơ sở (tỷ lệ suy giảm lao động là 31%). Nếu tỷ lệ cao hơn thì cứ thêm 1% sẽ được hưởng trợ cấp 2% lương cơ sở. Mức trợ cấp theo thâm niên tham gia BHXH sẽ được tính như trường hợp trên (trường hợp tỷ lệ suy giảm 5% đến dưới 31%).

- Trợ cấp trong trường hợp suy giảm 81% trở lên: Người lao động được trợ cấp phục vụ nếu thuốc các trường hợp: cột sống bị liệt, cả hai mắt bị mù, tâm thần, hai chân bị liệt hoặc cụt. Khoản trợ cấp được hưởng tính bằng tiền lương cơ sở quy định tại thời điểm đó.

- Trợ cấp một lần khi chết: Người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần trong trường hợp này. Mức tính hưởng tính bằng 36 lần tiền lương cơ sở theo quy định tại thời điểm đó.

- Hỗ trợ phương tiện, dụng cụ sinh hoạt hoặc để chỉnh hình: Ngoài các khoản tiền trợ cấp tính theo lương cơ sở, người lao động sẽ được cung cấp thêm một số dụng cụ, phương tiện. Các loại dụng cụ này để hỗ trợ cho người lao động do bị thương tật, suy giảm khả năng làm việc.

- Trợ cấp khi nghỉ dưỡng sức, hồi phục: Sau quá trình điều trị, người lao động sẽ được nghỉ ngơi dưỡng sức để hồi phục sức khỏe, thời gian tính như sau: Nếu tỷ lệ suy giảm lao động từ 15% đến 30% thì thời gian nghỉ nhiều nhất 05 ngày; Nếu tỷ lệ suy giảm lao động từ 31% đến 50% thì thời gian nghỉ nhiều nhất 07 ngày; Trường hợp người lao động bị suy giảm trên 50% thì nghỉ tối đa 10 ngày.

Trong thời gian nghỉ dưỡng sức, người lao động sẽ được hưởng một khoản trợ cấp. Nếu người lao động nghỉ tại nơi ở thì được hưởng trợ cấp bằng 25% tiền lương cơ sở, còn nghỉ ở nơi tập trung thì tiền trợ cấp bằng 40% mức lương cơ sở.

Ngoài ra, người lao động đang làm việc tại đơn vị mà đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn trong lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp một số khoản dưới đây:

- Thanh toán các chi phí các khoản không được BHYT chi trả đối với người có đóng BHYT. Đối với người không tham gia BHYT, người sử dụng lao động phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế trong quá trình điều trị.

- Thanh toán tiền lương cho người lao động trong quá trình nghỉ việc để điều trị.

- Bồi thường cho trong trường hợp tai nạn không do lỗi của người lao động.

Mức độ suy giảm từ 5% đến dưới 11% thì được trợ cấp một khoản bằng 1,5 lần tháng lương theo thỏa thuận, hợp đồng lao động. Nếu tỷ lệ này cao hơn (11% - dưới 81%) thì cứ thêm 1% thì mức trợ cấp sẽ cộng thêm 40% tiền lương thỏa thuận. Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng từ 81% trở lên thì được hưởng trợ cấp tối thiểu bằng 30 tháng lương.

Trường hợp tai nạn do lỗi của người lao động thì sẽ được người sử dụng lao động bồi thường tối thiểu 40% tiền lương căn cứ vào các tỷ lệ suy giảm lao động nêu trên. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thường xuyên chăm lo cho người lao động bị tai nạn, sắp xếp công việc phù hợp điều kiện sức khỏe nếu người lao động có quay trở lại làm việc sau điều trị.

Cùng chuyên mục

Chưa rút BHXH mà qua đời thì có bị mất tiền đã đóng?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, người lao động đang đóng BHXH, hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm 02 khoản: Mai táng phí và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng).

Tin mới

Mỗi cá nhân được cấp một mã số BHXH và mã số BHYT
Theo BHXH Việt Nam, thông qua việc kết nối, xác thực và chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẽ đảm bảo mỗi cá nhân chỉ có một mã số bảo hiểm xã hội (BHXH), một mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.