Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 04/08/2020 01:53 (GMT+7)

'Nóng' tranh cãi những ai sẽ được tiêm vaccine COVID-19 trước tiên

Một trong những câu hỏi "đau đầu" nhất mà các cơ quan y tế thế giới đang phải đối mặt đó là, ai sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19?

AP đăng tải, các cơ quan y tế Mỹ đang hy vọng tới cuối tháng sau sẽ đưa ra được một đề xuất hướng dẫn cho việc phân phối những liều vaccine đầu tiên; tuy nhiên, đó chắc chắn sẽ là một quyết định rất khó khăn.

"Không phải tất cả mọi người đều thích câu trả lời", Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Francis Collins mới đây đã tuyên bố trước một nhóm cố vấn của chính phủ Mỹ. "Sẽ có nhiều người cảm thấy họ nên có tên trong danh sách đầu tiên".

Về mặt truyền thống, những người đầu tiên được tiêm vaccine phải là các nhân viên y tế và những người dễ tổn thương nhất trước dịch bệnh.

Tuy nhiên, bác sỹ Collines lại nêu ra một số ý kiến bổ sung: Cân nhắc yếu tố địa lý và ưu tiên cho người dân ở những nơi dịch bệnh đang bùng phát nghiêm trọng nhất. Ngoài ra cũng không được quên lực lượng tình nguyện viên đã tham gia vào giai đoạn thử nghiệm cuối của vaccine.

"Chúng ta nợ họ… một ưu tiên đặc biệt nào đó", ông Collins nói về những người cần thiết để có thể quyết định loại vaccine có thực sự hiệu quả hay không.

Ảnh minh họa. 

Nhiều phòng thí nghiệm trên toàn cầu đang chạy đua với thời gian nhằm tìm ra những mẫu vaccine an toàn và có tác dụng nhất trước virus corona mới. Các cuộc thử nghiệm mới bắt đầu tuần trước của Moderna Inc. và Pfizer Inc đòi hỏi tới 30.000 người tình nguyện cho mỗi công ty. Trong vài tháng tới, các công ty AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax cũng sẽ phát đi kêu gọi tìm kiếm số tình nguyện viên tương tự. Ngoài ra chưa kể tới một số loại vaccine đang được nghiên cứu tại Trung Quốc và những nước khác cũng đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối.

Trong khi chính phủ Mỹ cam kết sẽ dự trữ hàng triệu liều vaccine, có một sự thật khắc nghiệt là, ngay cả nếu một loại vaccine được công nhận là an toàn và hiệu quả ra đời vào cuối năm 2020, sẽ vẫn không có đủ vaccine đáp ứng cho nhu cầu ngay lập tức – đặc biệt là khi phần lớn các loại vaccine đều đòi hỏi phải tiêm 2 liều.

Đây cũng là một thách thức mang tính toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang "đau đầu" với câu hỏi "ai được tiêm vaccine trước" khi nỗ lực tìm cách đảm bảo sẽ phân phối vaccine tới các nước nghèo một cách công bằng nhất. Quyết định càng trở nên khó khăn hơn khi các nước giàu đã "chiếm lĩnh" thị trường cho liều vaccine đầu tiên.

Tại Mỹ, Ủy ban Cố vấn về Tiêm phòng – một nhóm thiết lập bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật (CDC) Mỹ, là cơ quan sẽ đưa ra khuyến nghị những ai phải tiêm vaccine và khi nào. Phần lớn trường hợp, khuyến nghị này sẽ được chính phủ Mỹ làm theo.

Tuy nhiên, vaccine COVID-19 lại cực kì khó khăn đến nỗi, các chuyên gia vaccine và đạo đức học từ Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ - một cơ quan tư vấn khác cho chính phủ do Quốc hội ủy nhiệm, cũng được yêu cầu tham gia ý kiến.

Để đặt ra các ưu tiên sẽ cần tới "sáng tạo và ý thức đạo đức chung", Bill Foege, người từng hoạch định chiến lược vaccine giúp diệt trừ bệnh đậu mùa trên toàn thế giới, cho hay. Hiện đang làm việc tại Học viện Y khoa, ông Foege gọi nhiệm vụ lần này là "cả cơ hội và gánh nặng".

E ngại về những thông tin sai lệch và khả năng can thiệp chính trị, Giám đốc CDC Mỹ Robert Redfield nói, công chúng cần phải coi việc phân bổ vaccine là "công bằng, minh bạch và vô tư".

Làm sao để quyết định được? Gợi ý mở màn của CDC: Đầu tiên tiêm vaccine cho 12 triệu nhân viên y tế, an ninh quốc gia và các ngành nghề thiết yếu nhất. Sau đó sẽ là 110 triệu người có nguy cơ cao trước COVID-19 – những người trên 65 tuổi sống ở các cơ sở chăm sóc lâu dài hoặc bất kỳ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào đang có bệnh nền. Dân số đại chúng còn lại sẽ được tiêm vaccine sau đó.

Những cố vấn vaccine của CDC muốn biết ai thật sự là những người thiết yếu. "Tôi sẽ không coi mình là một nhân viên y tế quan trọng", Tiến sỹ Peter Szilagyi, một bác sỹ nhi tại Đại học California, Los Angeles nói.

Trong thực tế, những nguy cơ mà các nhân viên y tế đang phải đối mặt cực kì khác biệt so với những ngày đầu của dịch bệnh. Giờ đây, các nhân viên y tế trong các cơ sở điều trị được bảo vệ tốt nhất có thể; những người khác có thể ở trong tình trạng nguy cơ cao hơn.

Bên ngoài lĩnh vực y tế, "thiết yếu" liệu có phải là những nhân viên làm việc tại nhà máy gia cầm hoặc giáo viên? Và điều gì sẽ xảy ra nếu vaccine không hiệu quả trong nhóm dân số dễ bị tổn thương như đối với những người trẻ tuổi và mạnh khỏe hơn? Đó là một nỗi lo lắng thực sự do hệ thống miễn dịch của người lớn tuổi thường không phản ứng với vaccine cúm một cách tốt nhất. Ngoài ra, Tiến sỹ Henry Bernstein của mạng lưới chăm sóc y tế Northwell cho hay, có thể sẽ tốt hơn nếu tiêm vaccine toàn bộ gia đình thay vì chỉ tiêm một người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất...

Cho dù ai được tiêm trước, một chiến dịch tiêm vaccine diện rộng trong khi mọi người vẫn cần phải giữ khoảng cách xã hội – là một yêu cầu khó khăn. Trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, các gia đình phải xếp hàng trong nhiều giờ để chờ đợi tới lượt tiêm và các cơ quan y tế chắc chắn không mong muốn điều này lặp lại trong dịch bệnh COVID-19.

Theo Tiến sỹ Nancy Messonier của CDC Mỹ, các điểm tiêm vaccine lái xe qua, phòng mạch tạm thời và những sáng kiến khác liên quan tới tiêm vaccine đều đã được thảo luận tới.

Ngay khi loại vaccine hiệu quả được công bố, "chúng tôi muốn có thể bắt đầu những chương trình này ngay ngày hôm sau", bà Messonnier nói. "Đó vẫn là một con đường còn rất dài".

Cùng chuyên mục

FDA Mỹ phát hiện thuốc điều trị hen suyễn Singulair có thể ảnh hưởng đến não bộ
Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện rằng thuốc hen suyễn phổ biến Singulair, do Merck sản xuất trước đây, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở một số bệnh nhân. Thuốc này, với thành phần chính là montelukast, gắn vào nhiều thụ thể trong não có vai trò quan trọng đối với các chức năng tâm thần.
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.

Tin mới

FDA Mỹ phát hiện thuốc điều trị hen suyễn Singulair có thể ảnh hưởng đến não bộ
Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện rằng thuốc hen suyễn phổ biến Singulair, do Merck sản xuất trước đây, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở một số bệnh nhân. Thuốc này, với thành phần chính là montelukast, gắn vào nhiều thụ thể trong não có vai trò quan trọng đối với các chức năng tâm thần.
Cảnh giác với hình thức lừa đảo bằng mã QR thông qua các nền tảng kỹ thuật số
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi bắt gặp các tin nhắn, Email hoặc các bài đăng chứa đựng mã QR. Đồng thời, cẩn trọng xác minh thông tin của cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức cung cấp mã QR thông qua số điện thoại hoặc các trang thông tin uy tín.