Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 06/12/2022 07:50 (GMT+7)

Phân biệt 'Trường Đại học' và 'Đại học'

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ thuộc Bộ GD&ĐT có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Vậy, sự khác nhau giữa "Trường Đại học" và "Đại học" thế nào? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, tại Việt Nam, theo Luật Giáo dục 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 nêu rõ:

Trường Đại học, Học viện (gọi chung là Trường Đại học) là cơ sở giáo dục Đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

Còn Đại học là cơ sở giáo dục Đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành Đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Theo định nghĩa trên, Trường Đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn Đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành).

Điều này có nghĩa, Đại học là cấp cao hơn, trong Đại học sẽ bao hàm nhiều Trường Đại học.

04 quy định đặc biệt khi chuyển từ trường thành Đại học

Theo Luật sư, Nghị định 99/2019/NĐ-CP, để được chuyển từ Trường Đại học lên Đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trường Đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục Đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.

- Trường cần ít nhất 03 Trường Đại học trực thuộc và ít nhất 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Về quy mô đào tạo sinh viên chính quy từ 15.000 em trở lên.

- Trường cần ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp - với Đại học công lập, còn với trường tư thục cần sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số người, đại diện góp vốn.

- Trường xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học do các Trường Đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung. Đồng thời làm rõ các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản, các nội dung khác (nếu có).

Bên cạnh đó, Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng cho phép các trường Đại học đơn lập được liên kết để trở thành Đại học chung.

Điều kiện là phải có ít nhất 03 Trường Đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành Đại học hoặc có ít nhất 03 trường Đại học là Trường Đại học tư thục và trường Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Các trường tham gia liên kết phải xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung, các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản. Ngoài ra, phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp Trường Đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi Trường Đại học tư thục, Trường Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Các trường sẽ gửi hồ sơ chuyển đổi cho Bộ GD&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng quyết định.

Cùng chuyên mục

Yên Bái: Tạm đình chỉ công tác giáo viên đánh học sinh lớp 1
Chiều 21/4, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thông tin: Sau khi nhận được thông tin phản ánh vụ việc cô giáo đánh học sinh lớp 1 tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học La Pán Tẩn, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã khẩn trương chỉ đạo làm rõ.
Đề xuất quy định mới về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.

Tin mới