Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 23/08/2023 16:05 (GMT+7)

Quảng cáo đánh bạc, cá độ trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Theo Luật sư, trường hợp quảng cáo cá độ xuất phát từ các trang web trực tuyến được lập trái phép mà hướng tới người dùng mạng xã hội với mục đích để rủ rê, lôi kéo người khác đánh bạc thì đây có thể là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý nghiêm minh theo quy định.

Quảng cáo đánh bạc, cá độ trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, thực trạng quảng các công cụ đánh bạc, chia sẻ những video đánh cờ bạc, dạy cách chơi cờ bạc tràn lan trên mạng xã hội... Những nhân vật trong các video này công khai đánh cờ bạc ăn tiền, cùng với đó là những lời nói thô tục xuất hiện trên khắp nền tảng mạng xã hội. Không chỉ đẩy mạnh quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook nói riêng, những nội dung liên quan đến cờ bạc, tài xỉu, cá độ còn được chia sẻ trực tiếp trong các video trên nhiều nền tảng khác như TikTok, YouTube... Chỉ cần gõ một vài từ khóa vào ô tìm kiếm của các nền tảng này, hàng loạt video, kèm theo đó là link của các website sẽ hiện ra.

Ngoài ra, một số bài đăng còn hứa hẹn sẽ trao giải thưởng, tặng phần quà giá trị,... cho những người tham gia nhóm kín. Sau khi tham gia nhóm, người dùng sẽ bị lôi kéo tham gia đánh bạc, cá độ.

Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tình trạng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội gây nhiều hệ lụy khi số lượng tham gia cũng như quy mô của các đường dây cờ bạc trực tuyến ngày càng lớn. Tại Việt Nam, các hành vi cờ bạc, cá độ dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật

Theo đó, các hành vi cờ bạc, cá độ dưới bất kỳ hình thức nào cũng vi phạm pháp luật nên các loại hình này đều bị cấm quảng cáo theo khoản 1, Điều 7, Luật Quảng cáo 2012 (Luật số: 16/2012/QH13, ngày 21/6/2012).

Căn cứ khoản 2, khoản 3, Điều 33, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021 quy định như sau:

Điều 33. Vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định;

b) Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;

c) Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều này.

Trường hợp quảng cáo cá độ xuất phát từ các trang web trực tuyến được lập trái phép mà hướng tới người dùng mạng xã hội với mục đích để rủ rê, lôi kéo người khác đánh bạc thì đây có thể là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính. Cụ thể:

Căn cứ Điều 28, Nghị định số 144/2022 (số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi rủ rê lôi kéo tham gia đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Một số hình thức xử phạt bổ sung có thể áp dụng đối với trường hợp này như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, thu tiền do vi phạm hành chính mà có, đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng,... Nếu là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính theo điều này thì có thể bị xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, chủ thể vi phạm có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp sau khi cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét hành vi quảng cáo cá độ, bài bạc trên mạng xã hội mà có dấu hiệu của tội phạm thì chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể theo quy định tại khoản 2, Điều 322, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội 'Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" thì đối với hành vi sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trước đó, nhằm ngăn chặn tình trạng dòng tiền chảy vào các website xấu độc, Bộ TT&TT khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét lựa chọn quảng cáo White List và danh sách White List sẽ tiếp tục được mở rộng, bổ sung thêm với đối tượng là các trang thông tin điện tử, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng thuộc các mạng xã hội trong và ngoài nước.

Trước đó vào cuối tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã ký công văn có nội dung yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, các nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Bộ TT&TT nhận định: “Thời gian qua, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, bộc lộ nhiều nguy cơ khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo, để cho quảng cáo cài đặt vào các nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí là xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng khoản 1, Điều 1, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo".

Trước tình hình đó, để hỗ trợ việc tuân thủ pháp luật quảng cáo trên môi trường mạng, Bộ TT&TT đã xây dựng và công bố White List và khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong White List nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng nghiêm túc và chủ động triển khai 02 nội dung: Tăng cường rà soát, sàng lọc vị trí cài đặt quảng cáo trên mạng, không để quảng cáo bị gắn vào những trang, kênh, tài khoản, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP; chấm dứt tình trạng triển khai quảng cáo tràn lan không kiểm soát, dẫn đến việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, nhãn hàng cũng cần chủ động xây dựng Danh sách nội dung “xấu độc” trên mạng của đơn vị mình (gọi tắt là “Black List”) để loại trừ quảng cáo.

Cùng chuyên mục

Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Thời hạn nộp chi phí tham gia đấu thầu
Đây là nội dung quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BKHĐT ngày 19/4/2024 của Bộ KH&ĐT về quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Tin mới

Cảnh báo thủ đoạn tội phạm mới nhắm đến học sinh
Theo Công an tỉnh Lai Châu, đây là thủ đoạn phạm tội mới, các đối tượng lừa đảo nhắm tới các học sinh ở độ tuổi chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Nếu không có biện pháp phòng ngừa từ sớm sẽ rất dễ trở thành mối nguy hại lớn cho xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động phạm tội lừa đảo, rửa tiền.