Rào cản về chính sách khiến doanh nghiệp BĐS trên trên đà phá sản
Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đã kiệt quệ và sức đề kháng suy giảm nghiêm trọng, thậm chí trên đà phá sản do ảnh hưởng bởi lần bùng phát dịch thứ 4.
Nếu không có những chính sách cứu trợ hay tháo gỡ khó khăn kịp thời, số lượng doanh nghiệp địa ốc đứng trên bờ vực phá sản sẽ ngày càng gia tăng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trong những ngày 18 - 19/7, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 luôn ở mức trên 5.000 ca/ngày là mức cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay. Thống kê ngày 18/7, số ca nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cao nhất từ đầu dịch 4.692; còn Hà Nội ghi nhận 42 ca, cao nhất trong đợt dịch thứ 4. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ thị 16 tiếp tục được áp dụng. Một số tỉnh thành cũng đã thực hiện giãn cách xã hội.
Có thể nói, đây là lần bùng phát dịch bệnh với diễn biến và tính chất phức tạp nhất kể từ đầu năm 2020 tới nay. Cũng tính từ thời điểm lần đầu tiên ca nhiễm trong nước đầu tiên xuất hiện, đến nay, đã hơn 1 năm, không ít doanh nghiệp bất động sản đã rơi vào tình trạng "khó chồng khó".
Theo Bộ Xây dựng, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có gần 1.000 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng khi diễn biến bùng phát dịch gần đây chưa có dấu hiệu kiểm soát cơ bản.
Tại Diễn đàn Bất động sản năm 2021 - Động lực mới cho thị trường do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, sức đề kháng của doanh nghiệp địa ốc đang ngày càng suy giảm do ảnh hưởng bởi dịch. Doanh nghiệp phải "gồng mình" trong 3 lần bùng phát dịch bệnh trước đó. Nếu làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp địa ốc sẽ không có dòng tiền để phục hồi, các nguồn lực bị sụt giảm.
Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nguồn lực dự phòng để đảm bảo chống chịu qua các đợt khủng hoảng là thấp.
"Do đó, để việc phục hồi nhanh hơn cho các doanh nghiệp ở năm sau hay các năm tới thì những rào cản cần được giải quyết rốt ráo nhất. Đặc biệt, cần đề cao tính thực thi của các chính sách cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần trợ lực thêm từ Chính phủ thông qua việc tháo gỡ rào cản chính sách giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực trong thời gian sắp tới" – bà Hương nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, vị lãnh đạo Đại Phúc Land cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần có các kịch bản cho từng trường hợp, cũng cần phải phân kỳ đầu tư, xác định sống chung với dịch bệnh cho hết năm nay hoặc hết quý I năm sau khi mà chiến lược vaccine chưa được phủ rộng.
"Chúng tôi vẫn ở trong trạng thái bền bỉ chống chịu chuẩn bị nguồn lực cho sự hồi phục nhanh nhất sau đó", bà Hương cho biết.
Còn theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup, cần có một số chính sách tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, đại diện doanh nghiệp này mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sớm ra đời và giải quyết được các vấn đề như giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
"Đặc biệt, chúng tôi rất lo ngại loại hình bất động sản gắn liền với đất mà đất đi thuê hàng năm, dù là tài sản của doanh nghiệp, nhưng đất đi thuê thì rất khó trong việc thế chấp, sử dụng làm tài sản bảo đảm, ghi quyền sử dụng đất đó vào trong tài sản, mà cứ lẫn lộn giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất. Việc sử dụng đất trả tiền một lần, hay giao đất có thu tiền sử dụng đất khác với tiền sử dụng đất nhưng trả tiền thuế hàng năm", ông Hưng chia sẻ thêm.
Ngoài ra, theo ông Hưng, cần phân định rõ loại hình bất động sản nào được quyền mua bán, loại hình nào cho thuê như condotel, officetel, bất động sản dịch vụ,... Với đề xuất này, ông kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cũng như Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, Hội quy hoạch, Hội kiến trúc có ý kiến phân định rõ các loại tài sản này.
Khi cấp chứng nhận đầu tư mà ghi rõ các loại hình nào được phép xây dựng để bán, để cho thuê,... nhưng nếu mập mờ giữa cấp phép xây dựng công trình mà không biết được bán hay cho thuê thì rất khó cho doanh nghiệp. Với các dự án để bán thì dòng tiền nhanh hơn rất nhiều, dễ dàng trong việc huy động vốn và thế chấp tài sản.
Liên quan đến vốn cho doanh nghiệp địa ốc, ông Hưng nhận định, nguồn vốn ngân hàng đang giảm lãi suất giá rẻ nhưng nếu tiếp tục dựa vào nguồn vốn của ngân hàng thì doanh nghiệp luôn luôn bị động.
"Chúng tôi mong muốn có cơ chế tháo gỡ nhiều hơn trong việc doanh nghiệp được phép huy động vốn bằng nhiều hình thức, như các quỹ tín thác, chính sách, chủ trương mà Chính phủ đã cởi mở nhưng vẫn còn thiếu văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện. Hiện nay tại Việt Nam, đâu đó mới có 1 - 2 quỹ tín thác (REIT) được cấp phép nhưng chưa hoạt động đáng kể, vì còn thiếu văn bản thực hiện.
Đây là nguồn lực rất quan trọng trong dân, những người chỉ có một vài triệu đồng đến một vài chục triệu đồng nhưng cần có kênh để đầu tư bất động sản hợp lý", ông Hưng nói thêm, "Còn có các loại hình Blockchain, công nghệ, các gói đầu tư chung cũng cần phải được nghiên cứu để cho chính sách định hình sớm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HDMon Holdings cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh kịp thời giá của vật liệu xây dựng hiện đang tăng đột biến. Bởi theo ông Tuấn, nếu giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhu cầu khách hàng trong khi nghịch lý là đang trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.