Sang năm 2021, ngành tòa án sẽ có nhiều chuyển biến, khởi sắc
Vừa qua, Tòa án Nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 800 điểm cầu trong cả nước “Tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016 - 2020, triển khai công tác Tòa án năm 2021”.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tòa án Nhân dân Tối cao đã thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp. Nổi bật là Tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và trên các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhiều luật sư, luật gia, người dân… trên cả nước rất phấn khởi trước những đóng góp tích cực của ngành tòa án, giúp người dân tiếp cận với pháp luật, xóa bỏ tư tưởng “con kiến kiện củ khoai”.
Luật sư Lê Quốc Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM): “Tôi tin rằng sang năm 2021 ngành tòa án sẽ có nhiều chuyển biến, khởi sắc. Bởi vì ở nhiệm kỳ vừa qua, ngành tòa án đã giải quyết, xét xử hơn 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỷ lệ 98%, đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác… Điều này đã khiến người dân đặt nhiều niềm tin vào cán cân công lý”.
Cô Trần Thu Thủy (ngụ ở đường Ngô Quyền, phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau): “Tôi thật sự cảm kích và rất biết ơn đội ngũ nhà báo, luật sư, Tòa án nhân dân Cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao,… đã giúp gia đình tôi tìm được công lý, cả 02 bản án đều được tòa án xem xét, chấp nhận và ban hành quyết định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi… Tôi yêu cầu cơ quan chức năng nghiêm túc thực hiện đúng nội dung bản án đã tuyên…”.
Chị Phạm Thị Phượng (ngụ ở xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre): “Lúc đầu tôi và chồng tôi gần như tuyệt vọng vì hiện trạng đất của gia đình bị xâm hại, nhờ có báo chí lên tiếng, rồi tòa án các cấp tiếp nhận, xem xét, giải quyết… Và Tòa án tối cao tiếp nhận, yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao xem xét giải quyết yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm của tôi. Vợ chồng tôi yêu cầu cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan hãy xem xét giải quyết quyết định kháng nghị theo quyết định của Tòa án Tối cao ngày 13/10/2020, hủy bỏ nội dung bản án phúc thẩm 142/2009/DS-PT và bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền lợi của vợ chồng tôi theo quyết định của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành tại bản án sơ thẩm số 17/2008/DS-ST…”.
Thạc sĩ- Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Thị Thúy Diễm (phòng khám Nha khoa Hải Thủy, quận 5, TP.HCM): “Với cách giải quyết hợp tình đạt lý, các bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm,… của Tòa án nhân dân tối cao đã giúp người dân tin tưởng hơn vào công lý, sự phán xét công minh của những người ngồi ghế Hội đồng xét xử. Ví dụ như tôi, tài sản do mẹ cha để lại, là mồ hôi nước mắt của cha mẹ tạo dựng lúc sinh thời, nuôi nấng anh em tôi, cũng như nhiều bạn sinh viên khác thời gian đó chưa tìm được nơi trú ngụ để đi học, được cha mẹ tôi tạo nơi ăn chốn ở đàng hoàng,… thì tôi sẽ giữ lấy để không phụ lòng tin yêu của cha mẹ và anh em trong nhà…”.