Sắp có thêm khu công nghiệp công nghệ cao hơn 700ha ở Thanh Hóa
Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Quý, huyện Hoằng Hóa.
Theo đó, Khu công nghiệp Phú Quý có phạm vi ranh giới thuộc một phần địa bàn quản lý hành chính của các xã: Hoằng Kim (27,17 ha), Hoằng Trinh (16,4 ha), Hoằng Sơn (13,8 ha), Hoằng Quý (219,23 ha), Hoằng Xuyên (128,7 ha), Hoằng Cát (48,5 ha) và Hoằng Quỳ (86,2 ha).
Tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là hơn 733 ha. Tổng diện tích lập quy hoạch là 540 ha. Phía Bắc giáp đường hiện trạng, tiếp đến là đất sản xuất nông nghiệp xã Hoằng Trinh, xã Hoằng Kim; phía Nam giáp đường giao thông Quỳ Xuyên và cụm công nghiệp Phú Quý; phía Tây giáp hành lang an toàn đường sắt, tiếp đến là Quốc lộ 1A; phía Đông giáp đất nông nghiệp các xã: Hoằng Sơn, Hoằng Xuyên và Hoằng Cát. Quy mô lao động trong khu công nghiệp dự báo khoảng 36.000 - 58.500 người.
Tổng diện tích đất lập quy hoạch là 540 ha. Trong đó, khu sản xuất công nghiệp có diện tích 393,31 ha (chiếm 72,83%); khu hạ tầng kỹ thuật có diện tích 11,4 ha (chiếm 2,11%); khu đất hành chính - dịch vụ có diện tích 3,18 ha (chiếm 0,59%). Ngoài ra, đất cây xanh - mặt nước chiếm 14,13%; đất giao thông chiếm 10,34%.
Khu công nghiệp này sẽ ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, dự kiến phát triển kết hợp giữa 2 mô hình. Mô hình định hướng, phát triển theo định hướng quy hoạch và phân khu chức năng, trong đó phân các khu đất sản xuất thành các lô theo các module đa dạng, thích hợp với nhiều loại hình đầu tư: Loại nhỏ (dưới 5 ha), loại vừa (5-15 ha), loại lớn (trên 15 ha), một số lô đất lớn đặc biệt. Mô hình mỏ neo, phát triển theo từng cụm, mỗi cụm được hình thành khi thu hút được các nhà sản xuất đặc biệt có vai trò mỏ neo, kéo theo các cơ sở sản xuất tương tự và các nhà sản xuất tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm.
Mục tiêu của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Quý là nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoằng Hóa đến năm 2040. Định hướng phát triển ưu tiên công nghệ cao và thu hút các nhóm ngành công nghiệp liên quan. Xây dựng khu công nghiệp hiện đại với cơ sở hạ tầng đồng bộ, phân khu chức năng hợp lý, phục vụ các dự án đa ngành. Khai thác tối đa quỹ đất cho phát triển công nghiệp và lợi thế của hệ thống giao thông.