Số công nhân nhiễm HIV/AIDS tại các khu công nghiệp ngày càng tăng
Theo một khảo sát, từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022, tại tỉnh Bình Dương, thực hiện xét nghiệm HIV cho 5.311 người, trong đó nhóm công nhân là 2.312 người. Trong số 636 người nhiễm có đến 470 người là thanh niên làm việc trong KCN (chiếm 74%).
Sáng ngày 1.12, Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (Trung tâm Life) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu mô hình can thiệp phòng chống HIV cho công nhân nhà máy hướng đến chấm dứt dịch AIDS (SAFE-ZONE)” tại TPHCM.
Theo thống kê từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay cả nước có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, số ca tử vong tích lũy trên 110.000 người. Năm 2021, cả nước phát hiện trên 13.000 trường hợp nhiễm HIV và trên 1.800 người nhiễm HIV đã tử vong. Tỉ lệ mới phát hiện ở nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ, hầu hết ở nhóm tuổi từ 20-29. Đặc biệt nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) tỉ lệ mắc mới tăng mạnh.
Theo TS-BS Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS), nhóm công nhân trong các nhà máy, KCN có dấu hiệu nhiễm HIV ngày càng tăng, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn. Tỉ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính.
Theo một khảo sát, từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022, tại tỉnh Bình Dương, thực hiện xét nghiệm HIV cho 5.311 người, trong đó nhóm công nhân là 2.312 người. Trong số 636 người nhiễm có đến 470 người là thanh niên làm việc trong KCN (chiếm 74%).
Cùng mốc thời gian trên, xét nghiệm tại Trung tâm y tế thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho 720 người, trong đó nhóm công nhân là 546 người. Trong số 44 người nhiễm HIV có đến 25 người là thanh niên trong nhà máy (chiếm 57%).
Từ đó BS Tâm nhận định rằng, công nhân nam trẻ tuổi tại các địa phương có nhiều KCN là một trong những nhóm cần tăng cường cung cấp các kiến thức, hoạt động và dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Hội thảo “Giới thiệu mô hình can thiệp phòng chống HIV cho công nhân nhà máy hướng đến chấm dứt dịch AIDS (SAFE-ZONE)” tại TPHCM, nhằm chia sẻ, giới thiệu mô hình truyền thông can thiệp trong nhà máy/khu công nghiệp, hướng tới nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS và tiếp cận các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS do cộng đồng cung cấp.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Như Trang - Giám đốc Trung tâm Life, công nhân phải làm việc thời gian kéo dài, ít được tiếp cận thông tin, nhất là các dịch vụ mới. Khi có nguy cơ, công nhân không biết cách xét nghiệm hoặc đã bị nhiễm nhưng không biết chỗ điều trị, không biết những chương trình hỗ trợ, những dịch vụ sau giờ làm việc… đó là những điều làm họ thiệt thòi hơn và dễ bị tổn thương hơn những nhóm dân cư khác.
“Được sự hỗ trợ và chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Cục Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Life đã hợp tác với một số nhà máy, thí điểm triển khai chương trình SAFE-ZONE tại TPHCM và Đồng Nai – nơi mật độ tập trung khu công nghiệp cao, với các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe cho công nhân của nhà máy” – Thạc sĩ Trang chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, đại diện lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, nhấn mạnh ý nghĩa và tính cần thiết của mô hình SAFE-ZONE trong việc chủ động và sáng tạo tiếp cận, phổ cập kiến thức và cung cấp dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS cho lực lượng công nhân lao động nhà máy khu công nghiệp. “Chúng tôi rất vui mừng và bất ngờ khi chỉ mới thí điểm ở 4 nhà máy mà SAFE-ZONE đã tiếp cận với hơn 1.500 công nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho 350 người, kết nối dự phòng PrEP cho hơn 60 trường hợp và chuyển gửi 11 ca vào chương trình điều trị ARV qua BHYT. Đây là những con số rất khả quan, cho thấy tính hiệu quả và khả năng nhân rộng của mô hình này" - Bà Tâm nói.
Trước đó, vào tháng 6.2022, Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế và Trung tâm Life, tổ chức Hội thảo thúc đẩy dự phòng HIV/AIDS trong khu công nghiệp, nhà máy và vận động tạo dựng không gian an toàn cho công nhân. Chương trình nhằm cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm HIV và cung cấp thông tin dịch vụ HIV/AIDS đến lực lượng công nhân và nắm được những rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tình hình HIV/AIDS trong công nhân.
Từ đó, tìm ra giải pháp căn cơ và lâu dài để dự phòng sớm cho công nhân tránh bị lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác./.