Suất ăn của học sinh bán trú “teo tóp” vì cách tính thuế
Bữa ăn bán trú của học sinh trên địa bàn TP.HCM đang bị “teo tóp” bởi cách tính thuế khó hiểu của Chi cục Thuế một số quận – huyện.
Suất ăn bán trú của học sinh. |
Tiền ăn bán trú là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
Nhiều ngày qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM liên tiếp nhận được các phản ánh của những cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố và các ý kiến trả lời của Chi cục Thuế quận 6 về việc khai thuế đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Ngày 30/01/2024, ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, Sở Giáo dục đã ban hành văn bản số 440/SGDĐT-KHTC gửi Cục Thuế TP.HCM về chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Qua nghiên cứu các quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có một số ý kiến trao đổi với Cục thuế TP.HCM. Cụ thể, tại Luật Thuế giá trị gia tăng, khoản 13 Điều 5 quy định: “Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật” là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định Đối tượng không chịu thuế GTGT như sau: “Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp”.
Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.
Đối với khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT”.
Tiếp đến, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định phương pháp tính thuế TNDN: “Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ”.
Cụ thể, đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%; Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%; Đối với kinh doanh hàng hóa: 1%; Đối với hoạt động khác: 2%.
Chi phí thuế tác động đến bữa ăn của trẻ
Ngoài ra, tại Công văn số 5339/TCT-CS ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Tổng cục Thuế trả lời Cục Thuế Thành phố về chính sách thuế có nội dung như sau: “... Căn cứ các quy định nêu trên, Tổng cục Thuế cơ bản thống nhất với ý kiến đề xuất của Cục Thuế TP.HCM về khoản thu (như thu phục vụ và quản lý bán trú, vệ sinh bán trú, thiết bị và vật dụng phục vụ bán trú) có bản chất tương tự như khoản thu nội trú của học sinh, sinh viên, học viên. Do đó, chính sách thuế đối với khoản thu bán trú thực hiện theo quy định đối với hoạt động giáo dục (dạy học, dạy nghề) trích dẫn nêu trên”.
Trước đó, ngày 12/7/2023, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố năm học 2023-2024. Trong đó, các khoản thu quy định tại Nhóm III là các khoản thu về nuôi giữ trẻ mầm non, ở bán trú (ăn uống, ngủ nghỉ) của học sinh phổ thông, có tính chất tương tự khoản thu về ở nội trú quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Các khoản thu quy định tại Nhóm IV là các khoản thu hộ chi hộ hỗ trợ cho cá nhân học sinh trong quá trình sinh hoạt, học tập, rèn luyện tại trường. Các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các khoản thu trên nguyên tắc thu đủ chi đủ, đảm bảo bù đắp chi phí phải trả cho nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và không phát sinh giá trị gia tăng hay chênh lệch giữa giá mua từ nhà cung cấp với tiền thu từ học sinh.
Thực hiện theo Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND, các cơ sở giáo dục công lập chỉ được thực hiện mức thu không vượt quá mức tối đa quy định tại Nghị quyết. Do đó, chi phí thuế cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ, mà hiện nay vấn đề chất lượng bữa ăn, nước uống, nghỉ ngơi... của học sinh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cơ sở giáo dục, phụ huynh và dư luận xã hội trên địa bàn Thành phố.
Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM còn nêu rõ, để có cơ sở triển khai cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Thành phố thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thuế, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Cục Thuế TP.HCM có ý kiến trao đổi hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế (thuế suất thuế GTGT, thuế TNDN nếu có) đối với các khoản thu quy định tại Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố, đặc biệt là các khoản thu quy định tại Nhóm III và Nhóm IV.