Thời gian cấp sổ đỏ, sổ hồng
Pháp luật quy định thế nào về thời gian cấp sổ đỏ, sổ hồng? Việc cấp sổ đỏ mất nhiều thời gian có đúng luật hay không?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu như sau:
Khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 61, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai như sau:
Điều 61. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
1. Thời gian thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Giao đất, cho thuê đất là không quá 20 ngày không kể thời gian thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày.
2. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận được quy định như sau:
a) Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày;
b) Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 15 ngày;
c) Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất là không quá 15 ngày;
d) Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, nhóm người sử dụng đất là không quá 10 ngày;
đ) Tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 15 ngày;
e) Gia hạn sử dụng đất là không quá 07 ngày;
g) Xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất là không quá 05 ngày;
h) Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề là không quá 10 ngày;
i) Đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính hoặc thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký là không quá 10 ngày;
k) Chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất là không quá 30 ngày;
l) Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày;
m) Xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 03 ngày;
n) Đăng ký, xóa đăng ký thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất là không quá 03 ngày;
o) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng là không quá 05 ngày;
p) Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 07 ngày; trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày;
q) Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 10 ngày;
r) Thời gian thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp là không quá 10 ngày.
3. Thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai:
a) Hòa giải tranh chấp đất đai là không quá 45 ngày;
b) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện là không quá 45 ngày;
c) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là không quá 60 ngày;
d) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là không quá 90 ngày;
đ) Cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai là không quá 30 ngày.
4. Thời gian quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
5. Thời gian thực hiện đồng thời nhiều thủ tục hành chính về đất đai do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không quá tổng thời gian thực hiện các thủ tục đó theo quy định tại Điều này.
Như vậy, thời gian giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ, sổ hồng lần đầu không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thời gian giải quyết trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ, sổ hồng tại xã, phường, thị trấn, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất (thời gian nộp tiền); không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Tóm lại, nếu đất không có vi phạm pháp luật, không cần trưng cầu giám định mà thời gian cấp sổ đỏ, sổ hồng mất nhiều tháng, nhiều năm là trái quy định của pháp luật (người dân nên đối chiếu với thời gian trả kết quả được ghi trong phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả).
Cách xử lý khi bị chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng
Hỏi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lời về kết quả giải quyết
Khi đến hạn trả kết quả nhưng không nhận được kết quả giải quyết thì người thực hiện thủ tục có quyền hỏi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về tiến độ, kết quả cấp sổ đỏ, sổ hồng.
Đồng thời được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản. Nội dung này đã được khoản 8, Điều 19, Nghị định 61/2018/NĐ-CP quy định rõ. Cụ thể, các hồ sơ quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này sau khi thẩm định không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết hồ sơ theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ để gửi cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận một cửa. Thông báo được nhập vào mục trả kết quả của Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Thời hạn thông báo phải trong thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định.
Đối với hộ gia đình, cá nhân nên đề nghị Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) nơi có đất trả lời bằng văn bản.
Việc trả lời bằng văn bản rất quan trọng, vì đây là căn cứ để khiếu nại, khởi kiện nếu có căn cứ cho rằng cơ quan cấp sổ đỏ, sổ hồng làm sai.
Khiếu nại về việc chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng
Thủ tục cấp sổ đỏ, sổ hồng là thủ tục hành chính về đất đai, do đó khi quá thời hạn giải quyết thì người có yêu cầu cấp quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
- Người khiếu nại: Là người bị chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng, có thể trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền khiếu nại thay.
- Người bị khiếu nại: Là cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ, sổ hồng hoặc người trong cơ quan đó có hành vi chậm giải quyết thủ tục so với quy định.
- Hình thức khiếu nại chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng:
+ Khiếu nại bằng đơn: Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; Tên, địa chỉ của người khiếu nại; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
+ Khiếu nại trực tiếp: Người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như khiếu nại bằng đơn.
Khởi kiện tại TAND
- Người khởi kiện: Là người bị chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng.
- Người bị kiện: Là cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có hành vi chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng.
- Đối tượng khởi kiện: Là quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nói cách khác, đối tượng khởi kiện là quyết định, hành vi chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng.
- Thẩm quyền giải quyết: Nếu hành vi chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng do UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất (theo khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015). Nói cách khác, người dân khởi kiện tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Thủ tục khởi kiện:
Thủ tục khởi kiện được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng hành chính (bản chất là dân kiện quan) như sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Bước 2: Tiếp nhận, thụ lý
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Bước 4: Xét xử.