Thuốc điều trị hen suyễn giúp giảm nguy cơ nhập viện ở người mắc COVID-19
Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) ở Bengaluru vừa cho biết thuốc Montelukast điều trị bệnh hen suyễn có thể giúp ngăn chặn một loại protein do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tạo ra để tấn công hệ miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu cho biết protein trên không thay đổi cho dù người mắc COVID-19 nhiễm bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2. Theo Phó Giáo sư Tanweer Hussain tại IISc - một trong những tác giả nghiên cứu, các bác sĩ lâm sàng đã thử nghiệm sử dụng thuốc điều trị hen suyễn Montelukast trong điều trị COVID-19 và báo cáo ban đầu cho thấy thuốc này có thể làm giảm nguy cơ nhập viện vì COVID-19 ở bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Hussain cho rằng vẫn cần tiến hành nghiên cứu thêm về cơ chế hoạt động của Montelukast trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nặng của COVID-19.
Theo nhóm nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 tạo ra một loại protein gọi là protein phi cấu trúc 1 (NSP1), có thể tấn công và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. NSP1 liên kết với các tế bào miễn dịch của con người và ngăn chặn việc tạo ra các protein quan trọng được hệ miễn dịch sử dụng để chống lại các tác nhân gây hại. Trong quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng thuốc trị hen suyễn Montelukast, được sử dụng ở Ấn Độ trong hơn hai thập niên qua, có thể liên kết với NSP1 giúp ngăn chặn bất kỳ tổn thương nào đối với hệ miễn dịch. Trước đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm khoảng 1.600 loại thuốc được Cơ quan quản lý dược phẩm (FDA) Ấn Độ cấp phép lưu hành để tìm ra một loại thuốc có thể ngăn chặn tác động của NSP1 đối với hệ miễn dịch.
Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu tại IISc hy vọng có thể tạo ra một phiên bản mới của thuốc Montelukast, với khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 hiệu quả hơn. Các nhà nghiên cứu cũng mong muốn tìm ra nhiều loại thuốc khác có hiệu quả tương tự trong điều trị COVID-19.