Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 10/10/2023 07:09 (GMT+7)

Tiền Giang: Gò Công chuyển mình tương xứng với sự phát triển của địa phương

Nhắc đến Gò Công, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thị xã Gò Công, vì đây chính là nơi mà chính quyền Pháp xây dựng thành tỉnh Gò Công vào năm 1900,… Sau năm 1975 sáp nhập với Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang thuộc Tây Nam Bộ.

Gò Công từng là một đơn vị hành chính cấp tỉnh

Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Gò Công giữ một vai trò quan trọng trong suốt cuộc chinh phục Nam Kỳ của Pháp… Gò Công, thành phố nằm men theo rạch Gò Công có nhiều tuyến phố đẹp, từ trung tâm phân ra khắp các hướng, chợ lớn, nhà cộng đồng mang phong cách Hán Việt, hồ nuôi cá rộng, nhà cửa của người Việt khá đẹp và chắc chắn. Khu phố tây mở rộng ra 2 bên con rạch, bên phải là Sở Điện tín, phòng thuế Saint-Enfance, hải quan và bệnh viện người Việt, còn bên trái là trường học, thanh tra, trại giam, trại quân sự, trường nữ sinh, nhà khách, cửa hàng và các công xưởng phục vụ trong vùng.

tm-img-alt
Chợ Gò Công xưa. (Ảnh: Tư liệu).

Thời điểm đó, tỉnh lỵ Gò Công cách Sài Gòn 56 km, tỉnh có duy nhất một con sông chảy qua đó là sông Cửa Tiểu chảy ra biển Đông nhưng lại có ba con kênh chảy qua là kênh Champeau (từ Cửa Tiểu đến Tân Thanh); kênh Salicetti (từ Gò Công đi Tân Hòa) và kênh Escamier (từ Vĩnh Lợi đổ vào Cửa Tiểu). Ba con kênh này tàu lớn không đi qua được mà chỉ có thuyền bè lưu thông, tên của kênh được đặt theo tên của các viên quan cai trị người Pháp đã xây dựng nên chúng. Hàng ngày từ Gò Công đi Chợ Lớn đều có tàu của tư nhân chạy qua vào các buổi sáng. Từ Gò Công đi Mỹ Tho với khoảng 34 km có thể đi xe ngựa, ô tô hoặc bằng tàu của Công ty vận tải đường thủy có 5 chuyến 1 tuần đến Sài Gòn hoặc Mỹ Tho qua Bến Chùa.

Tỉnh Gò Công được bao quanh bởi phía Bắc là Chợ Lớn và Tân An, phía Đông là biển Đông, phía Nam và phía Tây là Mỹ Tho. Khi ấy, Gò Công từng là một đơn vị hành chính cấp tỉnh đông dân với 71 nghìn người Việt, 587 người Hoa, 24 người Âu, 26 người Ấn Độ, 2 người Ma Lai và 189 người Minh Hương… Tỉnh có 38 làng chia 4 tổng là: Hòa Lạc Hạ, Hòa Lạc Thượng, Hoa Đông Hạ và Hoa Đông Thượng.

Gò Công là tỉnh sản xuất lúa sản lượng lớn và chất lượng tốt đối với giống ngắn ngày cũng như giống lúa theo mùa vụ. Gạo hạt tròn được lựa chọn để sản xuất lúa theo thửa. Ngoài ra tỉnh còn trồng ngô, mía đường, cau lấy quả, tre. Tuy nhiên đây là tỉnh thường gặp nhiều khó khăn trong việc gieo trồng vì hạn hán thiếu nước…

Gò Công hướng đến thành phố văn minh – hiện đại

Về lãnh đạo xây dựng thị xã Gò Công trở thành thành phố Gò Công vào năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, phần “Nhiệm vụ và giải pháp” yêu cầu: tập trung đầu tư phát triển thị xã Gò Công với vai trò là đô thị hạt nhân vùng kinh tế- đô thị phía Đông của tỉnh; xây dựng và phát triển thị xã toàn diện về các mặt của đời sống kinh tế- xã hội, trong đó tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, đáp ứng theo quy định của thành phố thuộc tỉnh.

Những năm 2018 đến nay, khách du lịch, người dân ở địa phương đi làm xa về lại quê hương Gò Công đều bày tỏ niềm vui, sự ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của thị xã Gò Công. Đường phố khang trang, sạch đẹp, hình thành nhiều khu dân cư sầm uất, đời sống người dân người dân được nâng cao thấy rõ, đến đâu cũng nghe tiếng người cười nói, vui mừng trước những đổi thay của địa phương. Nào là khu dân cư Trương Định (người dân thường gọi là khu đô thị “Phú Mỹ Hưng” Gò Công), khu dân cư Nguyễn Trãi (nối dài), khu dân cư phường 4,…

tien-giang-chuyen-minh-4-1696896119.jpg
Thị xã Gò Công phấn đấu trở thành thành phố Gò Công trước năm 2025.

Ông Giản Bá Huỳnh- Chủ tịch UBND thị xã Gò Công, cho biết: “Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo xây dựng thị xã Gò Công trở thành thành phố Gò Công vào năm 2025, Ban Thường vụ Thị ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Ban Thường vụ và Tỉnh ủy đã giao phó, đặt mục tiêu hoàn thành việc thành lập thành phố Gò Công trước năm 2025…”.

Được biết, thị xã Gò Công có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 5 phường: 1, 2, 3, 4, 5 và 7 xã: Long Chánh, Long Hoà, Long Hưng, Long Thuận, Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung. Theo nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, tỉ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã ở thị xã Gò Công chỉ đạt 41,6%. Quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị cần:… tiến hành đánh giá bổ sung về phân loại đô thị đối với xã Long Thuận, Long Hưng, Long Chánh và Long Hòa theo tiêu chuẩn đô thị loại III để chuẩn bị cho việc thành lập phường thuộc thị xã Gò Công. Tập trung triển khai công trình, dự án phát triển hạ tầng đô thị của thị xã Gò Công và của các xã Long Thuận, Long Hưng, Long Chánh, Long Hòa để đảm bảo các yêu cầu về kết cấu hạ tầng đô thị theo quy định để thành lập phường và thành lập thành phố thuộc tỉnh.

Bên cạnh đó, thị xã Gò Công luôn quan tâm đến đời sống của người dân, nhất là với gia đình chính sách, có công với cách mạng theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”,… thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà, trao nhà tình nghĩa, nhà tình thương trên các địa bàn thuộc thị xã Gò Công.

tien-giang-chuyen-minh-5-1696896199.jpg
Lãnh đạo HĐND tỉnh Tiền Giang, thị xã Gò Công thăm và bàn giao nhà nhân ái.

Ông Nguyễn Hữu Lợi- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang (nguyên Bí thư Thị ủy- Chủ tịch UBND thị xã Gò Công) nói: “Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, Đảng bộ- chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công đã và đang hoàn thành các chỉ tiêu, phát huy truyền thống văn hóa- lịch sử lâu đời của tỉnh nói riêng và của vùng đất Nam Bộ nói chung để sớm được công nhận thành phố Gò Công…”.

Lời nói nhiều tình cảm của ông Nguyễn Hữu Lợi cũng đã thay cho lời kết của bài viết này, xin chúc mừng thị xã Gò Công từng bước chuyển mình trở thành thành phố văn minh- hiện đại và nghĩa tình.

Cùng chuyên mục

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về giá đất, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Trong đó, có đề xuất về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.
Đề xuất nguyên tắc đánh số nhà
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất nguyên tắc đánh số nhà mặt đường, mặt phố; tên ngõ, ngách, hẻm và đánh số nhà trong ngõ, ngách, hẻm.
Đề xuất quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng bằng mã QR
Ngày 02/5 vừa qua, Bộ TN&MT bắt đầu tổ chức công khai lấy ý kiến của người dân và các bộ, ban, ngành, địa phương đối với dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Trong đó, có đề xuất về việc in mã QR trong GCNQSDĐ. Sau khi lấy ý kiến, Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư và đưa vào triển khai thực hiện từ 01/01/2025.
Bộ TN&MT đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024
Trả lời báo giới về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 01/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, Bộ này đã hoàn thành dự thảo 6 Nghị định và 4 Thông tư. Bộ Tư pháp đã thẩm định, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Tin mới